Quả cà chua xuất hiện quanh năm, nhưng tại miền Bắc, mùa đông mới bắt đầu vào chính vụ. Đây là loại quả có rất nhiều công dụng tốt với sức khỏe nếu biết tận dụng.
Cà chua giúp chống lão hóa, đẹp da và "quét sạch" cả mỡ máu
Đại tá, lương y Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y quận Ba Đình) cho biết cà chua có rất nhiều loại và tùy từng loại sẽ có tác dụng khác nhau. Thông thường, cà chua được sử dụng để làm thực phẩm hàng ngày, ít người biết công dụng hỗ trợ phòng bệnh thật sự của loại quả này.
Lương y Hồng Minh thông tin, theo y học cổ truyền, cà chua có vị chua, ngọt nhạt, tính mát. Cà chua có thể ăn sống hoặc dùng dịch quả uống (nước ép), có tác dụng bổ huyết, sinh tân dịch, giúp tiêu hoá, điều hòa bài tiết.
Đặc biệt cà chua tốt cho người kém ăn, xung huyết, xơ cứng động mạch, đau khớp, thống phong, tăng huyết cao…Lương y Hồng Minh cũng khuyến cáo việc ăn quả cà chua sống hoặc uống dịch nước ép sẽ tốt hơn nấu chín.
“Sử dụng thường xuyên và hợp lý cà chua, nhất là uống dịch loại quả này sẽ rất tốt với người mỡ máu, giúp “quét sạch” mỡ máu trong cơ thể”, lương y Minh nhấn mạnh.
Nếu cà chua sạch, đảm bảo an toàn dùng nước ép rất tốt giúp quét sạch cả mỡ máu. (Ảnh minh họa)
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cà chua có chứa các chất chống oxy hóa giúp trẻ hóa da, bảo vệ thành mạch và bảo vệ thận. Vitamin C và lycopene có trong quả cà chua có tác dụng giúp ngủ ngon. Quả cà chua còn có chứa vitamin K và canxi giúp cho xương của bạn khỏe mạnh và chống loãng xương.
Ngoài ra, do cà chua có tính mát, ăn hàng ngày tốt, giúp nhuận tràng cho người táo bón. Các vitamin và khoáng chất có tính oxy hóa trong cà chua giúp làm trẻ hóa tế bào, ngăn ngừa ung thư.
Cà chua khi ăn cần bỏ hạt vì đường ruột không tiêu hóa được hạt cà chua. (Ảnh minh họa)
Cà chua tốt nhưng cũng cần lưu ý khi ăn
Dù có rất nhiều tác dụng nhưng lương y Bùi Hồng Minh cũng khuyến cáo mọi người khi sử dụng cà chua, nhất là dùng để ăn sống cần phải hết sức chú ý. Theo đó, cà chua ăn sống phải được trồng đảm bảo an toàn tuyệt đối, không sử dụng cà chua không rõ nguồn gốc vì dễ nhiễm hóa chất, thuốc bảo quản thực vật
Nếu sử dụng như ăn sống hoặc ép dịch uống, không sử dụng hạt cà chua. Hạt cà chua khi vào đường ruột sẽ không thể tiêu hóa được, trong quá trình vận chuyển thức ăn của đường ruột, hạt cà chua dễ lọt vào ruột thừa và gây viêm. Khi ăn quá nhiều hạt cà chua còn có thể gây táo bón, nhất là ở trẻ em.
Tuyệt đối không an cà chua xanh vì nó sẽ gây ngộ độc.
Không nên ăn quả cà chua xanh, kể cả khi đã được nấu chín. Các nghiên cứu chỉ ra rằng cà chua xanh có chất dễ gây ngộ độc, với triệu chứng như tiết nước bọt, nôn, buồn nôn, mệt mỏi… Khi cà chua chín, các chất độc hại sẽ giảm dần và biến mất trong cà chua chín đỏ.
Không nên ăn cà chua khi đói, bởi trong cà chua có chất pectin và nhựa phenolic. Nếu ăn lúc đói, những chất này có thể phản ứng với axit, ảnh hưởng lớn đến dạ dày. Khi dạ dày tiêu thụ những chất này có thể gây nên tình trạng nôn mửa, đau bụng.
Một số bài thuốc từ quả cà chua được lương y Bùi Hồng Minh tư vấn, tham khảo:
- Người mệt mỏi, cơ thể suy nhược, huyết áp cao, đau khớp… dùng nước ép cà chua hoặc ăn cà chua sống liều dùng 200-300g.
- Chữa táo bón: Cà chua gọt vỏ trộn với mật ong, ăn ngày 2-3 lần, mỗi lần 1-2 quả.
- Chữa viêm loét dạ dày: Cà chua và khoai tây ép nước, mỗi ngày dùng 150ml uống vào buổi sáng và tối hằng ngày.
- Chữa sốt cao kèm theo khát nước: Cà chua 200g thái lát, sắc nước uống thay trà trong ngày, uống lạnh hay nóng đều được.
- Chữa chấy: Cà chua vắt nước sát vào chân tóc giúp hết chấy.
- Chữa mụn nhọt lở loét: Lá cây cà chua rửa sạch, giã nát, thêm vài hạt muối, đắp lên nơi tổn thương.