Khi làm việc ở cơ quan, nhiều người thường dùng chung dụng cụ ăn uống như thìa, đũa, bát, liệu có làm lây nhiễm vi khuẩn HP? Vấn đề này sẽ được Ths.BSCK II Hà Hải Nam - Phó khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K Trung ương tư vấn.
Chào bác sĩ!
Cơ quan em có truyền thống ăn cơm trưa tập trung tại chỗ. Thay vì hỗ trợ tiền ăn hàng tháng cho mỗi nhân viên, cơ quan sẽ có bộ phận cấp dưỡng nấu cơm để mọi người cùng ăn cho gắn kết tình cảm. Cá nhân em thấy đây cũng là một văn hóa công sở khá hay, vừa đảm bảo an toàn thực phẩm, lại có cảm giác như ăn cơm gia đình.
Tuy nhiên, trong đợt khám sức khỏe công ty gần đây, qua kiểm tra phát hiện có người bị nhiễm vi khuẩn HP (vi khuẩn Helicobacter pylori) nên mọi người rất lo lắng. Bởi vì có thông tin cho cho rằng vi khuẩn này có thể lây qua đường ăn uống, nhất là dùng chung đũa thìa. Bác sĩ cho em hỏi thông tin này có chính xác không?
Xin cảm ơn bác sĩ!
Vi khuẩn HP có thể bị lây nhiễm qua đường nước bọt nên việc dùng chung đũa bát hoàn toàn có nguy cơ mắc vi khuẩn này. Không chỉ vậy, đây còn là con đường lây nhiễm phổ biến nhất của vi khuẩn này.
Thậm chí không dùng chung bát đũa, nhưng mọi người chấm chung bát nước chấm cũng hoàn toàn có thể nhiễm vi khuẩn HP. Do vậy, mọi người không nên dùng chung đũa thìa, nên dùng bát nước chấm riêng. Sau khi sử dụng xong cần vệ sinh sạch sẽ, nếu khử khuẩn được dụng cụ ăn uống thì càng tốt.
Ngoài lây qua đường ăn uống, vi khuẩn HP còn có thể lây qua việc sử dụng chung vật dụng cá nhân như bàn chải đánh răng, cốc nước,... hoặc qua việc tiếp xúc gần như hôn, trò chuyện khiến nước bọt bắn ra. Việc sử dụng cụ y tế không được vệ sinh, khử trùng sạch khi thăm khám có tiếp xúc răng miệng của người bệnh cũng có thể lây bệnh.
Chào bác sĩ!
Con trai em phát hiện HP dạ dày từ lúc lên 6 tuổi, hiện thi thoảng con mới đau bụng, như vậy em cần đi nội soi lại hay dùng thuốc điều trị cho con không ạ?
Cảm ơn bác sĩ.
Con bạn bị HP từ năm 6 tuổi, thời điểm đó không biết con bạn đã điều trị hay chưa và không biết hiện giờ con bạn bao nhiêu tuổi. Nếu con bạn khoảng 8-9 tuổi nên cân nhắc việc điều trị thuốc HP nhưng phải có sự tư vấn, chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, nên theo dõi tình trạng nhiễm HP của con bạn bằng cách cho đi test bằng các test thở hoặc xét nghiệm máu.
Theo tôi, con bạn nhỏ tuổi như vậy chỉ cần test thở không cần thiết phải nội soi. Tuy nhiên, hiện nay một số bệnh viện chưa trang bị test thở mà chỉ có một số bệnh viện lớn mới có, do vậy bạn nên tìm hiểu trước khi đi khám.
Vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) là loại vi khuẩn sinh sống và phát triển trong dạ dày người, gây viêm loét dạ dày và các bệnh lý liên quan khác. Vi khuẩn HP dễ dàng lây nhiễm qua nhiều con đường, triệu chứng không rõ ràng nên khó phát hiện. Sự phát triển và hoạt động của vi khuẩn HP làm tổn thương niêm mạc dạ dày, gây viêm - loét dạ dày, tá tràng. Nếu không can thiệp sớm, bệnh có thể diễn tiến mạn tính, gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, thậm chí làm thúc đẩy ung thư dạ dày. Theo thống kê, khoảng 1% bệnh nhân nhiễm vi khuẩn HP có nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Người bệnh nhiễm khuẩn HP diễn tiến đau dạ dày thường có một số triệu chứng như: - Ợ hơi; - Đau bụng nhiều lần; - Thường xuyên có cảm giác no, đầy hơi; - Buồn nôn; - Giảm cân không rõ nguyên do. Để phát hiện có vi khuẩn HP hay không, người nghi ngờ cần xét nghiệm máu, xét nghiệm phân, test qua hơi thở hoặc làm sinh thiết. |
Mọi thắc mắc của bạn đọc về các vấn đề sức khỏe sẽ được các chuyên gia tư vấn trong những bài tiếp theo. Mời quý bạn đọc đón đọc các bài Hỏi đáp bác sĩ vào các ngày thứ 3-5 hàng tuần trên mục Sức khỏe. |