Sau khi học thêm về, khoảng 23h nam sinh ăn tạm cho đỡ đói nhưng bất ngờ đau bụng, nôn ra máu phải nhập viện cấp cứu.
Nam sinh nôn ra máu cấp cứu vì thói quen nhiều học sinh mắc phải
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) vừa cấp cứu một nam sinh 15 tuổi (ở Phú Thọ) nhập viện trong tình trạng mệt lả, nhợt nhạt, nôn ra dịch dạ dày màu đen số lượng lớn (khoảng 400ml) kèm đi ngoài phân đen.
Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hoá mức độ nặng và thực hiện truyền máu cấp cứu, đồng thời nội soi dạ dày gây mê, phát hiện hành tá tràng có ổ loét kích thước ~1cm, đáy có điểm mạch, chảy máu. Các bác sĩ đã tiến hành kẹp 1 clip cầm máu. Bệnh nhân sau đó được chuyển khoa Hồi sức cấp cứu theo dõi và điều trị.
Người nhà bệnh nhân cho biết trước nhập viện, khoảng 23h đêm, nam sinh đi học thêm về và ăn đêm cho đỡ đói. Khoảng 1 giờ sau ăn, nam sinh xuất hiện đau bụng thượng vị, buồn nôn và nôn ra thức ăn. Bệnh nhân đã đau âm ỉ thượng vị khoảng 1 tháng trước và đã đi khám, dùng thuốc nhưng không đỡ. Theo lời người nhà, trẻ thường xuyên thức khuya và ăn đồ chua cay.
Thức đêm thường kèm theo đói bụng và ăn vặt, có thể gây áp lực lớn cho dạ dày. (Ảnh minh họa)
Các bác sĩ tại Trung tâm tiêu hoá hô hấp bệnh viện cho biết, nam sinh bị xuất huyết tiêu hóa nặng do chảy máu ổ loét hành tá tràng, nếu không kịp can thiệp, trẻ có thể tử vong vì mất máu. Chính vì vậy các bậc phụ huynh cần theo dõi sức khoẻ của con, khi trẻ có biểu hiện đau bụng thường xuyên cần khám chuyên khoa tiêu hoá. Nếu trẻ xuất hiện đau bụng kèm nôn ra máu, đi ngoài phân đen cần đưa đến bệnh viện cấp cứu càng sớm càng tốt.
Theo các bác sĩ, hiện các cháu sinh năm 2008 chuẩn bị vào kỳ thi lên cấp THPT nên áp lực học tập khá cao, phụ huynh nên chia sẻ, tâm sự cùng trẻ, tránh gây áp lực học tập, ngủ, nghỉ, học tập có thời gian hợp lý, không thức quá khuya và học tập quá sức.
Thức khuya gây áp lực lên dạ dày rất lớn
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS.BS Đỗ Trường Sơn, Trưởng Khoa ngoại tổng hợp, Bệnh viện E cho biết, xuất huyết dạ dày ngoài những nguyên nhân như lạm dụng rượu bia, lạm dụng thuốc thì nhiều hành vi trong sinh hoạt hàng ngày cũng có thể gây nên tình trạng này. Điển hình như thói quen thức khuya, bị stress, áp lực công việc hoặc ăn đồ chua, cay, nóng, ăn quá muộn...
Thức khuya không chỉ gây nguy hiểm cho dạ dày mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe. (Ảnh minh họa)
Theo đó, ban đêm là khoảng thời gian các cơ quan trong cơ thể nghỉ ngơi. Lúc này, hệ tiêu hóa và dạ dày cũng sẽ ít hoạt động hơn, các tế bào niêm mạc dạ dày tranh thủ phục hồi và tái tạo. Nếu thức khuya, các cơ quan vẫn phải hoạt động theo sự điều khiển của não bộ. Dạ dày sẽ không được nghỉ ngơi nên sẽ tiết ra nhiều acid dịch vị. Nồng độ acid dịch vị tăng cao sẽ gây tổn thương niêm mạc dạ dày, gây trào ngược dạ dày, thậm chí còn dẫn đến tình trạng viêm dạ dày, loét dạ dày...
Không chỉ vậy, khi thức khuya thường kèm theo ăn vặt càng gây áp lực lên dạ dày và khiến tình trạng viêm loét dạ dày càng nặng hơn.
Xuất huyết dạ dày nguy hiểm thế nào?
Theo PGS Trường Sơn, xuất huyết dạ dày là bệnh lý gây nguy hiểm cho hệ tiêu hóa, thậm chí có nguy cơ đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Trong giai đoạn đầu, bệnh không tạo nên nhiều biến đổi trong cơ thể. Thậm chí, lượng máu lúc này có thể rất nhỏ, chỉ phát hiện khi thực hiện các xét nghiệm y khoa (chẳng hạn như xét nghiệm máu ẩn trong phân). Tình trạng bệnh khiến cơ thể cảm thấy mệt mỏi, quan sát thấy phân sẫm màu hay máu trên giấy vệ sinh, bồn cầu khi đại tiện…
Về lâu dài, xuất huyết dạ dày sẽ trở nên trầm trọng, lượng máu chảy ra nhiều và liên tục hơn. Lúc này, người bệnh thường xuyên bị hoa mắt, chóng mắt, lạnh tay chân, mạch đập yếu, đe dọa đến tính mạng. Do đó, việc theo dõi, phát hiện bệnh sớm để điều trị kịp thời rất cần thiết.
Để tránh nguy cơ viêm loét dạ dày, chảy máu dạ dày, thủng dạ dày, bác sĩ Sơn khuyên mọi người cần có lối sống khoa học, ăn uống lành mạnh, hạn chế rượu bia thuốc lá, cũng như phòng tránh stress.