Vợ chồng ông Thọ, bà Tý đều đã trên 100 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, tự vệ sinh cá nhân. Cụ ông ngày nào cũng tắm rửa sạch sẽ dù lạnh tới đâu.
Khi tới xã Đan Thượng, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ hỏi thăm về gia đình cụ ông Ma Văn Thọ và cụ bà Vũ Thị Tý, người dân nơi đây không ai không biết. Sở dĩ hai ông bà nổi tiếng khắp vùng quê trung du này vì họ đều đã trên 100 tuổi: Cụ ông 112 tuổi, còn cụ bà 102 tuổi.
Sống qua hai thế kỷ, dù mắt có hơi mờ nhưng tinh thần, trí tuệ của hai vợ chồng ông Thọ còn minh mẫn. Các cụ vẫn nhớ hết các con cháu, chắt trong nhà, dù số lượng lên đến vài chục người. Hàng ngày, hai cụ vẫn tự ăn uống và vệ sinh cá nhân.
Khi hỏi về bí quyết giúp đôi vợ chồng này sống thọ và khỏe mạnh, ông Mai Thanh Chì (SN 1952) con trai thứ 3 của hai cụ, cũng là người đang sống cùng, trực tiếp chăm sóc bố mẹ, cho biết, các cụ không có bí quyết gì cao siêu, tất cả chỉ gói gọn trong hai chữ “sạch sẽ”.
Phòng ở của cặp uyên ương hơn 100 tuổi rất sạch sẽ, ngăn nắp. Ảnh: Lê Phương.
Điều này được thể hiện ngay từ phòng ngủ sạch sẽ, gọn gàng của cặp vợ chồng hơn 100 tuổi này. Trong căn phòng nhỏ, hai chiếc giường đơn được kê ngay ngắn với chăn gối gấp và xếp phẳng phiu. Hai cụ chỉ để một chiếc bàn nhỏ giữa hai giường và đặt chiếc ấm, cái cốc, hộp thuốc trên đó. Tất cả những thứ không cần thiết đều được dọn sạch. Nền nhà lúc nào cũng khô ráo, không có món đồ thừa nằm vương vãi.
Ông Chì cho biết, không phải bây giờ ở trong căn nhà mới khang trang bố mẹ ông mới sạch sẽ, mà nhiều năm trước, khi gia đình còn ở túp lều tranh, trong ngôi nhà gỗ, cụ Thọ và cụ Tý cũng nổi tiếng khắp làng về sự ngăn nắp. “Trong nhà tôi không bao giờ có một cọng rác nào. Từ góc sân đến mảnh vườn rộng đều được dọn dẹp kỹ lưỡng, gọn gàng”, ông Chì chia sẻ.
Trong ăn uống cũng vậy, dù từ thời phải rau cháo nuôi con, đến khi các con đã trưởng thành, hai cụ luôn chọn đồ và chế biến thực phẩm sạch sẽ, ăn uống đúng giờ, đặc biệt là cụ ông. Theo chia sẻ của người con trai, cụ Ma Văn Thọ xưa kia sau mỗi bữa ăn là bát nồi phải rửa thật sạch, chứ không bao giờ đợi đến khi nấu mới rửa.
Ông Mai Thanh Chì chia sẻ về cuộc sống và bí quyết sống khỏe của bố mẹ mình. Ảnh: Lê Phương.
Thậm chí, nếu phát hiện các con rửa nồi bát không sạch là ông sẽ nhắc nhở ngay, thậm chí răn đe để lần sau chú ý hơn. “Bố tôi ăn uống rất đúng giờ, từ hồi trẻ cho đến bây giờ vẫn vậy. Cứ đến giờ là bố tôi ăn cơm, không chờ đợi. Ngày trẻ bố tôi ăn rất khỏe để lấy sức làm việc, nuôi các con. Đến khi già, dù các con có điều kiện nhưng bố mẹ tôi ăn uống rất điều độ, đa số ăn những thực phẩm tự gia đình làm ra. Đến bây giờ, ông bà ăn uống theo sở thích, muốn ăn gì các con nấu cho món đó. Ngoài ăn cơm như thì thi thoảng bố mẹ tôi đổi bữa sang ăn mỳ, ăn cháo...
Dù ăn gì chúng tôi vẫn luôn đảm bảo dinh dưỡng cho các cụ. Ví dụ hôm nay bố tôi muốn ăn mỳ, chúng tôi phải ninh nước xương, kèm theo củ quả sau đó lấy nước để nấu mỳ để các cụ vừa dễ ăn, vừa dễ tiêu hóa", ông Chì tâm sự.
Nồi xương ninh củ quả được vợ chồng ông Chì chuẩn bị để nấu mỳ cho bữa trưa của bố.
Bà Nguyễn Thị Hoa (con dâu hai cụ) chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ cho bố mẹ chồng. Ảnh Lê Phương.
Sự sạch sẽ của cặp vợ chồng hơn trăm tuổi này còn được thể hiện qua việc vệ sinh cá nhân hàng ngày. Dù thời còn trẻ hay khi tuổi đã già, cụ ông ngày nào cũng tắm, bất chấp thời tiết lạnh giá. Cụ chia sẻ rằng, việc tắm rửa cũng như ăn cơm hàng ngày, nếu không ăn thì sẽ đói và không tắm sẽ nhớ nước, ngứa ngáy không ngủ được.
Một bí quyết sống khỏe khác cũng được cụ Ma Văn Thọ và người con trai chia sẻ, đó là kết hợp làm việc với rèn luyện thân thể. Những năm gần đây tuổi quá cao, hai cụ không còn đi bộ, làm vườn nữa nhưng trước đó họ đi bộ rất giỏi. Có lẽ đó chính là một phần lý do hai vợ chồng ông Thọ mới có được sức khỏe dẻo dai tới hôm nay.
Cuối cùng, ông Mai Thanh Chì cho biết, tình cảm gia đình hòa thuận, sự quan tâm của các con, cháu, chắt tới ông bà là sức mạnh về tinh thần, giúp cho cụ ông và cụ bà có tư tưởng thoải mái, thêm động lực sống lâu hơn để chứng kiến sự trưởng thành của các con, cháu, chắt. “Năm nào cũng vậy, cứ vào mùng 5 Tết là các con cháu ở khắp nơi lại về chúc thọ hai cụ. Chứng kiến con cháu phương trưởng, Tết về sum vầy là các cụ rất phấn khởi, vui vẻ lắm”, ông Chì chia sẻ.