Dù đời sống chăn gối vẫn thăng hoa nhưng bà mẹ 2 con lo lắng không yên vì mỗi lần "đèn đỏ" đều mệt mỏi, nặng nề. Đây liệu có phải vấn đề đáng lo ngại? Ths.BS Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Đào tạo, Bệnh viện Phụ sản Trung ương sẽ giải đáp.
Bác sĩ Phan Chí Thành là một chuyên gia tư vấn về các vấn đề tình dục ở nữ giới, nhất là rối loạn chức năng tình dục nữ.
Chào bác sĩ!
Tôi 45 tuổi, đã có hai con và đang lo lắng vì chu kỳ kinh nguyệt thất thường. Gần đây, tôi bị ra máu nhiều khi “đến tháng”, tới mức cảm thấy mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt…
Hiện tôi là chủ một cửa hàng sách. Có tháng đến chu kỳ, tôi bị choáng đến mức đang xếp sách phải víu vào kệ và sau đó nghỉ làm 2-3 hôm.
Bình thường, kinh nguyệt của tôi thường có 4-5 ngày, nhưng có thời điểm chỉ ra máu 2 ngày là hết. Trong sinh hoạt tình dục, tôi vẫn bình thường và rất thăng hoa. Khi gặp phải vấn đề này, tôi có tâm sự với chồng và được anh ấy động viên đi khám ngay.
Quả thật, tôi rất lo lắng, không biết những biểu hiện của mình có phải do vấn đề gì nghiêm trọng không? Rất mong nhận được sự tư vấn của bác sĩ.
Xin cảm ơn.
Trước hết, xin chia sẻ với tình trạng chị gặp phải và chúc mừng chị có một người chồng rất tâm lý và quan tâm. Đúng như chồng chị nói, tình trạng của chị cần đi khám càng sớm càng tốt. Bởi không chỉ phụ nữ ở giai đoạn tiền mãn kinh, mà ngay cả với người trẻ tuổi, chu kỳ kinh nguyệt ra máu ít hay nhiều thì đều ảnh hưởng đến sức khỏe, do vậy chị em không nên chủ quan.
Trong y học có một số thuật ngữ nói về chu kỳ kinh nguyệt của chị em mà chúng ta cần chú ý. Đó là:
- Cường kinh: Lượng máu kinh nguyệt ra nhiều hơn bình thường;
- Rong kinh: Lượng máu kinh nguyệt kéo dài hơn 7 ngày;
- Rong huyết: Ra máu bất thường không theo chu kỳ kinh, có thể ở giữa chu kỳ hoặc sau khi quan hệ.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng ra máu bất thường, ví dụ như các bệnh lý của tử cung như u xơ tử cung, polyp buồng tử cung, lạc nội mạc tử cung, ung thư nội mạc tử cung... Ngoài ra, rối loạn rụng trứng, rối loạn đông máu, thai ngoài tử cung... cũng có thể gây rong huyết, rong kinh.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, 50% các trường hợp bị rối loạn kinh nguyệt thường xảt ra ở độ tuổi 40 đến 50. Do vậy, đây là tình trạng khá phổ biến ở tuổi trung niên. Đa số khi bị ra máu nhiều, các chị em đều cảm thấy sợ hãi, từ đó ảnh hưởng đến tâm lý.
Kinh nguyệt bất thường là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe, không chủ quan. Ảnh minh họa.
Ngoài ra, ra máu nhiều cũng khiến cơ thể mệt mỏi, gây thiếu máu, dẫn đến chóng mặt, thậm chí phải nghỉ làm. Như trường hợp của chị là một minh chứng điển hình, vì thế không nên chủ quan.
Phụ nữ, khi thấy kinh nguyệt bất thường, kèm các triệu chứng dưới đây, hãy nhanh chóng đi gặp bác sĩ:
- Ra máu nhiều, kéo dài hơn 7 ngày, ra máu đông, máu cục;
- Ra máu gián đoạn không theo chu kỳ kinh nguyệt;
- Ra máu kèm theo đau hoặc sốt;
- Tiểu ra máu hoặc thấy đau khi đi tiểu;
- Chậm kinh hoặc không thấy có kinh khi chưa mãn kinh;
- Ra máu trong hoặc sau khi quan hệ.
Tất cả các dấu hiệu trên đều cảnh báo có thể bạn đang gặp phải vấn đề về sức khỏe, nhất là các bệnh phụ khoa. Do vậy, việc đi khám và chọn cơ sở, bệnh viện chuyên khoa sản là rất cần thiết.
|
Tin liên quan
Hiện nay số người mắc các bệnh lý về thận ngày càng nhiều và đang trẻ hóa. Đa số mọi người phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn, trong khi...
Tin bài cùng chủ đề Tiến sĩ, bác sĩ Phan Chí Thành
Theo bác sĩ Phan Chí Thành, mẹ bầu có tử cung ở tư thế nào sinh thường đều không có vấn đề gì, nhưng với các mẹ bầu có tử cung ngả sau cần hết sức lưu ý khi sinh mổ.
Bệnh phụ khoa khác