Theo nghiên cứu mới, thường xuyên ăn loại quả bé nhỏ, có vị cay nồng này giúp giảm nguy cơ mắc ba loại bệnh ung thư phổ biến.
Kết quả nghiên cứu từ nhóm các nhà khoa học đến từ trường Y tế Công cộng - Đại học Bắc Kinh, Học viện Khoa học Y tế Trung Quốc cùng Đại học Oxford (Anh) vừa được công bố trên Tạp chí Dịch tễ học Trung Quốc hồi tháng 2 cho thấy: Ăn ớt cay có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc các khối u ác tính ở môi, miệng và hầu họng. Ngoài ra, thành phần trong quả ớt giúp ngăn ngừa ung thư dạ dày và ung thư tiền liệt tuyến.
Nghiên cứu được thực hiện trên 510.000 người bằng cách so sánh giữa những người không ăn hoặc hiếm khi ăn ớt và những người ăn ớt hàng ngày. Kết quả cho thấy người ăn ớt mỗi ngày có thể giảm nguy cơ mắc các khối u ác tính ở vòm miệng và họng tới 31%. Các phân tích sâu hơn cũng cho thấy ớt tươi, ớt khô, dầu ớt, tương ớt và các loại thực phẩm cay khác còn có tác dụng tốt trong việc bảo vệ sức khỏe.
Một nghiên cứu khác của Hiệp hội Tim mạch Mỹ vào năm 2019 cũng chỉ ra lợi ích của việc ăn đồ cay. Theo kết quả nghiên cứu này, so với những người không ăn ớt, những người ăn ớt nhiều hơn 4 lần một tuần đã giảm 23% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân, giảm 34% nguy cơ tử vong do các vấn đề tim mạch.
Ớt có nhiều tác dụng với cơ thể
Tại sao ăn cay có thể giúp ngăn ngừa ung thư?
Theo y học cổ truyền Trung Quốc, quả ớt tính ấm, vị cay, khi đi vào kinh mạch, tỳ vị, dạ dày sẽ có tác dụng bổ tỳ vị, chữa phong thấp. Dược tính của quả ớt giúp loại quả này có thể được sử dụng để điều trị chứng khó tiêu, thấp khớp, đau bụng lạnh, đau cơ thắt lưng...
Các nghiên cứu chỉ ra, chất capsaicin (C9H14O2) trong ớt có thể ảnh hưởng đến nhiều loại protein. Chất này khiến tế bào ung thư tự hủy diệt và biến mất. Capsaicin giúp ức chế các chất điều hòa chu kỳ tế bào ung thư, từ đó ngăn chặn các tế bào này "tái sản xuất".
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng nhấn mạnh, nghiên cứu này chỉ có thể chứng minh mối tương quan giữa ăn cay và ung thư chứ không khẳng định ăn cay chắc chắn sẽ giảm nguy cơ ung thư. Về bản chất, ớt, hạt tiêu hay bất cứ loại quả cay nào đều chỉ là một loại thực phẩm. Sử dụng chúng để điều trị bệnh đòi hỏi sự kết hợp có bài bản, dưới sự tư vấn của thầy thuốc.
Những lợi ích khác của ớt
Giàu vitamin C, vitamin A, chất sắt, chất xơ... ớt còn có một số tác dụng đáng kể khác dưới đây:
Giảm khoảng thời gian đau ốm
Nếu bạn là người hay uống nước cam khi ốm thì hẳn bạn đã biết vai trò quan trọng của vitamin C trong việc tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể.
Quả ớt giàu vitamin C hơn cả cam
Các nghiên cứu cho thấy, mặc dù vitamin C không ngăn được hoàn toàn cảm lạnh, nạp nhiều chất này khi ốm có thể giúp rút ngắn thời gian bệnh. Ớt còn giàu vitamin C hơn cả cam, vì vậy, nếu bạn là người thích ăn cay, ngại gì dùng ớt khi ốm để nhanh khỏi hơn.
Ngừa bệnh tim
Vì thức ăn cay thường đi liền với chứng ợ nóng, nhiều người có thể lo lắng khi ăn ớt nếu họ đã có các vấn đề về tim. Nhưng ợ nóng thực ra không liên quan gì đến tim.
Thực tế, thực phẩm cay lại tốt cho việc ngăn ngừa bệnh tim. Các nghiên cứu cho thấy chất capsaicin trong ớt cay có thể giảm chứng viêm và giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Hỗ trợ giảm cân
Các nghiên cứu cho thấy chất capsaicin trong ớt cay có thể giảm cảm giác thèm ăn. Các nghiên cứu khác khẳng định ớt có thể tăng cường trao đổi chất và giúp bạn đốt cháy calo từ thực phẩm đã ăn. Mặc dù riêng việc ăn ớt không dẫn tới thay đổi đáng kể về cân nặng của bạn, việc sử dụng chúng kết hợp với kế hoạch giảm cân do bác sĩ tư vấn có thể giúp bạn đạt kết quả nhanh hơn.
Ớt có nhiều loại và hương vị khác nhau.
Khi nào không nên ăn ớt?
Một chút cay giúp kích thích vị giác. Nhưng khi lượng ớt bạn nạp vào cơ thể vượt quá giới hạn, khiến bạn tiêu chảy, nôn mửa, điều đó là lời cảnh báo của cơ thể, cho thấy bạn đã nạp lượng capsaicin vượt quá tiêu chuẩn và nên ngừng tiêu thụ đồ cay.
Tiến sĩ Lưu Giai đến từ Khoa dinh dưỡng lâm sàng của Đại học Y Quảng Châu (Trung Quốc) chỉ ra một số tác hại chính của việc ăn ớt quá nhiều, đó là:
- Ăn cay làm trầm trọng thêm tình trạng viêm hiện có.
- Đồ ăn cay thường kèm theo nhiều muối và chất béo, hoàn toàn không tốt cho cơ thể. Do đó, ăn cay có thể khiến bạn mọc mụn do tình trạng tiết dầu của tuyến bã nhờn trầm trọng hơn.
- Người mắc bệnh trĩ không nên ăn ớt. Quả ớt có tính kích ứng cao, do đó, bệnh nhân bị trĩ dễ bị xung huyết tĩnh mạch trĩ, phù nề trĩ, làm tình trạng bệnh thêm nghiêm trọng. Quả ớt tính nóng có thể làm tăng tình trạng táo bón, khiến bệnh trĩ nặng hơn.
+ Người viêm túi mật, sỏi mật, viêm tụy... không nên ăn ớt. Sự dung nạp capsaicin vào cơ thể sẽ làm tăng tiết axit trong dạ dày, gây co túi mật, co thắt cơ vòng mật, khó bài tiết mật khiến bệnh nặng thêm.
+ Người đau mắt đỏ ăn ớt gây giãn mạch máu trong mắt, khiến sức đề kháng mắt giảm, làm mắt càng viêm nặng.
+ Bệnh nhân cường giáp ăn ớt khiến nhịp tim nhanh hơn, làm tình trạng cường giáp càng nghiêm trọng.