Sự thật khó ngờ về đai nịt bụng giúp tạo vòng eo con kiến

Ngày 22/05/2022 14:18 PM (GMT+7)

Khao khát có vòng eo gọn gàng, hô biến mỡ thừa đáng ghét, nhiều chị em đang chuộng những chiếc đai hay gen nịt bụng và đeo ngày đêm. Liệu món đồ này có thật sự hiệu quả và tác dụng phụ của nó là gì? Mời bạn cùng đọc bài viết dưới đây. 

Sau khi ngôi sao truyền hình thực tế người Mỹ Kim Kardashian chia sẻ về chế độ hà khắc giúp cô giảm 7kg trong 3 tuần để diện vừa chiếc váy mang tính biểu tượng của Marilyn Monroe trong Met Gala, cô không nhận được nhiều sự ngưỡng mộ như tưởng tượng. Nhiều người còn chỉ trích vì cô không chỉ công khai chế độ ăn kiêng có hại cho sức khỏe mà còn ủng hộ các chiến lược giảm béo không lành mạnh - bao gồm việc tán thành và bán sản phẩm định hình vốn bị các chuyên gia y tế cảnh báo: đồ siết eo.

Corset hay waist trainer được quảng cáo là công cụ hỗ trợ định hình vòng eo. Nó thường là đai hay gen đeo ở bụng giúp phụ nữ tạo ra dáng đồng hồ cát bằng cách siết chặt vòng eo. Các sản phẩm này phổ biến suốt những năm 2010 nhờ những lời ca tụng từ không ít người nổi tiếng, bao gồm các thành viên gia đình Kardashian. Tới nay, những sản phẩm này được phụ nữ ưa chuộng, bất chấp lời cảnh báo từ các chuyên gia sức khỏe. 

Kim Kardashian, bên trái, tại Met Gala, và sả phẩm đai siết eo cô bán từ năm 2019. Nhiều chuyên gia cho rằng Kim tạo ra hình mẫu cơ thể phi thực tế cho phụ nữ. Ảnh: Washington Post.

Kim Kardashian, bên trái, tại Met Gala, và sả phẩm đai siết eo cô bán từ năm 2019. Nhiều chuyên gia cho rằng Kim tạo ra hình mẫu cơ thể phi thực tế cho phụ nữ. Ảnh: Washington Post. 

“Những sản phẩm này về cơ bản là bị thổi phồng. Tôi lấy làm tiếc khi chúng ta lại trở về với trào lưu từ những năm 1800”, Stephanie Faubion, Giám đốc trung tâm sức khỏe phụ nữ của Mayo Clinic (Mỹ), nói. 

Nhiều người lên mạng xã hội khẳng định họ đeo đồ siết eo thường xuyên trong suốt nhiều tháng, giúp eo tạo hình đồng hồ cát và giảm cân vì họ ăn ít đi (một số dụng cụ siết eo được thiết kế để kích thích tiết mồ hôi, được cho là dẫn tới tăng đốt cháy chất béo). Một số người “cuồng” siết eo còn đeo nịt bụng qua đêm. 

Nhưng các chuyên gia sức khỏe nói rằng các lợi ích được dẫn ra chỉ là sự thổi phồng. Thực tế, cái tên “định hình vòng eo” là cách dùng sai, theo chuyên gia Faubion. “Nó không định hình vòng eo của bạn để tạo ra sự khác biệt nào mà sẽ thay đổi cả hình dáng cơ thể bạn”, bà nói. 

Tác động thực sự của các công cụ siết eo? 

Daisy Ayim, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ kiêm bác sĩ sản phụ khoa có trụ sở tại Houston, Mỹ cho biết, đeo nịt bụng vài tiếng trong buổi đi chơi tối để trông gọn gàng và xinh đẹp hơn thì không sao. Nếu mục tiêu của bạn là khiến bản thân tự tin hơn trong một bộ trang phục nào đó, bạn sẽ có lợi khi dùng nịt bụng để tạo dáng đồng hồ cát tạm thời. 

Bà cho biết, một số người có thể thực sự giảm cân sau khi đeo đai siết eo, nhưng việc vài kg “rơi” đi thường là do giảm trọng lượng nước. “Chiếc đai thường nặng và gây khó thở, vì thế khi đeo nó, bạn dễ đổ mồ hôi hơn và những cân nặng đã giảm theo kiểu này sẽ nhanh chóng quay lại. Ra quá nhiều mồ hôi không phải là cách làm tiêu dần mỡ bụng”, bà nói.

Corset từng là dụng cụ giúp siết eo phổ biến của phụ nữ quý tộc châu Âu thời kỳ Phục Hưng. Ảnh: Vox.com

Corset từng là dụng cụ giúp siết eo phổ biến của phụ nữ quý tộc châu Âu thời kỳ Phục Hưng. Ảnh: Vox.com

Đai nịt bụng cũng không làm giảm sự thèm ăn của bạn. Trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí Scandinavian Primary Health Care, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra xem liệu đeo nịt bụng có giúp mọi người duy trì việc giảm cân mà họ đã đạt được bằng cách thực hiện theo chế độ ăn ít calo không. Các tác giả nghiên cứu cuối cùng cũng không thể đưa ra bất cứ kết luận nào bởi vì việc đeo nịt bụng quá khó chịu khiến những người tham gia không thể tuân thủ việc đeo nó. 

Một số loại nịt bụng được tiếp thị tới những phụ nữ vừa sinh nở. Theo một nghiên cứu năm 2017 đăng trên tạp chí Sản phụ khoa quốc tế, việc đeo nịt bụng sau khi sinh mổ giúp giảm đau và giảm chảy máu so với việc không đeo. Trong các tình huống cụ thể, một số người sẽ hưởng lợi từ việc quấn chặt bụng hay nịt bụng, theo Natalie Toshkoff, một chuyên gia trị liệu các vấn đề về sàn chậu tại New York, Mỹ. “Nó cũng có thể giúp giữ cố định và làm chị em thấy dễ chịu hơn ở vết mổ đẻ, giống như có một bàn tay luôn ở đó để giữ chặt. Nhưng tôi không nói rằng đai nịt bụng sẽ là lựa chọn đầu tiên cho việc đó, có nhiều cách khác cũng hữu hiệu”, bà nói. 

Những nguy cơ tiềm ẩn của đai siết eo? 

Mặc dù chưa có nhiều nghiên cứu, các chuyên gia đều thống nhất rằng thường xuyên đeo nịt eo gây nhiều mối nguy. “Đây không phải là việc tốt và lành bạn thực hiện” Jennifer Wider, bác sĩ chuyên về sức khỏe phụ nữ tại New York (Mỹ) đưa ý kiến. 

Đồ siết eo có thể tác động tới các cơ quan nội tạng. Ảnh: Bright Side.

Đồ siết eo có thể tác động tới các cơ quan nội tạng. Ảnh: Bright Side.

Đai nịt bụng có thể gây một số vấn đề như: 

Gây khó thở

Bác sĩ Toshkoff giải thích, đai nịt bụng rất chặt và mặc chúng có thể siết cơ hoành (đây là phần cơ ngăn cách tim và phổi của bạn với các cơ quan khác). Khi bạn hít vào, cơ hoành co lại, khi bạn thở ra, nó thả lỏng. Nhưng nếu bạn đang đeo một chiếc nịt bụng, bộ phận này sẽ không thể thực hiện hết đầy đủ các chuyển động đó. Sau nhiều giờ hay việc sử dụng lặp đi lặp lại, việc này có thể không tốt cho việc hít thở của bạn. 

Nhiều video trên mạng xã hội mô tả những người đeo đai nịt bụng khi tập thể dục và biện luận rằng làm vậy sẽ dễ giảm cân. Nhưng cách này có thể gây nguy hiểm. “Làm thế là bạn đang chèn ép cơ hoành của mình. Bạn sẽ không thể thở mạnh, sâu khi tập thể dục. Nếu không nhận đủ oxy, bạn thậm chí có thể ngất xỉu”, chuyên gia Winder cảnh báo.

Ảnh hưởng tới các cơ quan nội tạng

Theo bác sĩ Dena Barsoum, chuyên khoa vật lý trị liệu và phục hồi chức năng, Bệnh viện phẫu thuật đặc biệt ở White Plain (Mỹ), sự chèn ép tạo ra từ đai nịt bụng có thể tác động tới các cơ quan nội tạng và cách chúng vận hành. Tất cả các cơ quan của chúng ta đều cần không gian để hoạt động và chiếc đai nịt bụng thực sự giới hạn khoảng không gian đó. 

Việc sử dụng lâu dài có thể làm biến đổi các cơ quan - chẳng hạn như thận - đến vị trí trái với tự nhiên, thậm chí cản trở sự lưu thông máu vốn giúp chúng thực hiện đúng chức năng. Hiện chưa có đủ nghiên cứu để hiểu rõ liệu sự tổn hại này có vĩnh viễn không.

Tại Việt Nam, các loại đai, đồ nịt bụng, siết eo được quảng cáo và bán khá nhiều. (Ảnh minh họa)

Tại Việt Nam, các loại đai, đồ nịt bụng, siết eo được quảng cáo và bán khá nhiều. (Ảnh minh họa)

Ngay cả ở các thế kỷ trước, các bác sĩ cũng nhấn mạnh một số bệnh nhân của họ đeo corset đã bị hư hỏng cơ quan nội tạng. Trong nghiên cứu đăng trên Cureus năm 2020, các tác giả nói rằng, việc đeo các đai siết chặt có thể góp phần làm hỏng nội tạng qua việc “chèn ép, làm méo mó và gây thiếu máu cục bộ”. Các nghiên cứu sâu hơn cũng khẳng định điều này. 

Gây các vấn đề về tiêu hóa 

Theo chuyên gia Barsoum, các loại đai nịt bụng đè ép hệ thống tiêu hóa của bạn và điều này có thể dẫn tới táo bón bởi sự chặn lại các vận động bình thường và sự lưu thông của các vật chất qua đường ruột. Bạn cũng có thể bị ợ nóng vì việc đeo đai đặt sức ép lên thực quản phía dưới và gây trào ngược dịch dạ dày.

Làm yếu cơ xương

Theo chuyên gia Barsoum, các cơ sẽ khỏe hơn nhờ hoạt động, vì vậy nếu dùng đai nịt bụng để giữ eo ở một vị trí nhất định, các cơ này sẽ chẳng hoạt động gì và đôi khi có thể trở nên yếu đi. 

Đó là một lý do các chuyên gia khuyên chỉ đeo đai siết eo cho những tình huống nhất định, chẳng hạn khi trong một sự kiện lớn. Việc nịt bụng suốt ngày hay qua đêm, từ tuần này sang tuần khác, sẽ dần làm tiêu tan sức mạnh của vùng lõi cơ thể. 

Cái gì có thể thay thế cho đai siết eo để giảm mỡ bụng? 

Chuyên gia Faubion cho biết, giảm mỡ bụng là một mục tiêu đáng được quan tâm: Mỡ thừa quanh bụng liên quan tới nguy cơ bệnh tim tăng lên. “Nhưng đai siết eo sẽ không giúp gì cho việc đó”, bà nói.

Vậy điều gì sẽ hữu ích? Chuyên gia khuyên nên ưu tiên một chế độ ăn uống lành mạnh, đặc biệt là cắt giảm carbs đơn, chẳng hạn như đồ uống có đường và các loại bánh ngọt, bánh mỳ… Bác sĩ  Ayim cũng đồng ý rằng dinh dưỡng tốt là cách nên làm và gợi ý kết hợp với việc tập thể dục thường xuyên. 

“Chỉ nên xem đai siết eo là một cách khắc phục mỡ bụng tạm thời. Nó không giúp giảm mỡ bụng hay tạo nên sự khác biệt lâu dài hoặc tạo ra ý nghĩa gì cho cơ thể bạn”, chuyên gia bày tỏ. 

Vòng eo bao nhiêu thì khỏe? Nếu có vòng eo to hơn số này, tuổi thọ sẽ giảm đáng kể
Theo các chuyên gia y tế, vòng eo của bạn phải nhỏ hơn một nửa chiều cao nếu bạn muốn có một sức khỏe tốt và sống lâu hơn. 

Sống khỏe

Theo Yên Minh (Dịch từ The Washington Post)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sống khỏe