Sinh hoạt thiếu khoa học, ăn uống không kiểm soát... khiến nhiều người dù trẻ cũng mắc ung thư dạ dày.
Dạ dày là cơ quan tiêu hóa chính trong cơ thể chúng ta. Khi dạ dày bạn không khỏe, chắc chắn các cơ quan nội tạng khác bị ảnh hưởng. Theo thống kê 2021, mỗi năm, Trung Quốc có khoảng 679.000 bệnh nhân ung thư dạ dày mới được phát hiện.
Bệnh ung thư dạ dày thường rất dễ ghé thăm những người có thói quen sinh hoạt sau đây:
Những người thường quên ăn, quên ngủ
Bận rộn với công việc nên nhiều người không có thời gian ăn uống, thậm chí phải làm tăng ca đến tận khuya mới về ăn tối. Việc sinh hoạt thiếu khoa học này, lâu dần sẽ làm tổn hại đến sức khỏe dạ dày. Trong khi đó, dạ dày là cơ quan tuân thủ nghiêm ngặt thời gian biểu và rất dễ gặp vấn đề nếu bạn sinh hoạt thất thường. Khi bạn ăn không đúng bữa, quá trình bài tiết dịch vị bị xáo trộn, dẫn đến không kịp tiêu hóa và hấp thụ thức ăn, làm niêm mạc dạ dày bị tổn thương nặng nề.
Người "cuồng" đồ cay, nóng
Màng nhầy trong thành dạ dày, ruột... vốn rất mỏng manh, chỉ có thể chịu đựng thực phẩm ở nhiệt độ tối đa từ 50-60°C. Khi nhiệt độ thực phẩm vượt qua giới hạn này, màng nhầy của sẽ bị bỏng, thậm chí khiến màng nhầy xảy ra hiện tượng biến đổi ác tính, tiến triển thành ung thư. Do đó, ăn thức ăn quá cay, nóng trong thời gian dài sẽ gây tổn thương khoang miệng, thực quản, niêm mạc dạ dày, dẫn đến viêm niêm mạc miệng mãn tính, viêm teo dạ dày và các bệnh khác.
Đau dạ dày nên tránh xa các món cay, nóng
Người hay uống rượu
Tổ chức Y tế Thế giới xếp rượu vào chất gây ung thư Nhóm 1, tức là chất có thể gây ung thư cao nhất cho con người.
Nghiên cứu cho thấy, người nghiện rượu, uống rượu lâu năm không chỉ bị ung thư gan mà còn dễ mắc ung thư dạ dày. Rượu bia kích thích niêm mạc dạ dày, phá hủy các mô niêm mạc, thúc đẩy quá trình hấp thụ các chất gây ung thư. Đặc biệt, người nghiện rượu có chế độ ăn uống không điều độ, kém hợp lý, rất dễ dẫn đến xuất huyết dạ dày, viêm loét dạ dày, polyp dạ dày và các bệnh nghiêm trọng khác.
Nên bỏ gì, ăn gì để tránh xa bệnh ung thư dạ dày?
Các nghiên cứu cho thấy các thực phẩm chiên, rán, đồ xào nấu nhiều dầu mỡ tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư. Đồ chiên rán thường chứa nhiều dầu mỡ. Dưới nhiệt độ cao, dầu sẽ sinh ra chất axit acrylic khiến dạ dày khó tiêu hóa. Khi đó, dạ dày sẽ tự động tiết ra nhiều axit dịch vị, gây mất cân bằng, về lâu dài rất hại cho dạ dày.
Thực phẩm chiên, rán cũng là một "kẻ thù" của dạ dày. Theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế, acrylamide - chất được hình thành trong thực phẩm giàu carbohydrate chế biến ở nhiệt độ cao như chiên, rán - có thể gây ung thư.
Một thực phẩm khác người bị dạ dày nên tránh là các loại rau muối chua (dưa muối, kim chi... ). Thường xuyên ăn rau muối chua có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày từ 4-5 lần, do hàm lượng nitrit trong rau muối chua rất cao. Nitrit khi vào cơ thể người sẽ tạo thành nitrosamine dưới tác dụng của môi trường dạ dày, là chất gây ung thư rất mạnh. Ngoài ra, khả năng thẩm thấu cao của muối có thể gây tổn thương niêm mạc dạ dày. Khi các chất gây ung thư tiếp xúc với niêm mạc dạ dày bị tổn thương thì khả năng phát triển thành ung thư sẽ tăng lên rất nhiều.
Hai món ăn "vàng" cho dạ dày đau
Theo các chuyên gia y học cổ truyền Trung Quốc, bí đỏ, hạt kê là những thực phẩm tốt cho người bị dạ dày. Bí đỏ có tính ấm, vị ngọt, có công dụng giúp dễ trung tiện, bổ khí, tiêu viêm, khử trùng, đặc biệt thích hợp cho người tỳ vị hư yếu, suy dinh dưỡng. Ngoài ra, bí đỏ còn rất giàu vitamin A có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày, tránh cho dạ dày bị tổn thương thêm, đẩy nhanh quá trình phục hồi niêm mạc dạ dày.
Hạt kê giàu protein, chất béo, đường, vitamin b2, niacin, canxi, phốt pho, sắt và các chất dinh dưỡng khác, có tác dụng bổ tỳ vị, trung tiện, thanh nhiệt. Món ăn chế biến từ hạt kê sẽ giúp bạn giảm được chứng đầy bụng, ăn không tiêu hay đau bụng âm ỉ...