Với những dấu hiệu như đau bụng âm ỉ, đi ngoài, cô gái chỉ nghĩ mình bị rối loạn tiêu hóa. Nhưng khi uống thuốc tình trạng không cải thiện, cô đi khám mới phát hiện bị ung thư giai đoạn cuối.
Đó là trường hợp của chị Lê Thị Thanh Nhàn (30 tuổi, ở Phú Thọ), vừa được các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Hùng Vương chẩn đoán mắc bệnh ung thư đại trực tràng giai đoạn cuối. Chị Nhàn chia sẻ trước khi phát hiện bệnh, chị cảm thấy đau bụng nhưng nghĩ mình bị rối loạn tiêu hóa. Các biểu hiện thường gặp đó là ăn uống khó tiêu, hay đau bụng âm ỉ, đại tiện rắn lỏng thất thường…
Dù xuất hiện những triệu chứng trên nhưng chị Nhàn lại nghĩ mình chỉ bị rối loạn tiêu hóa, tự mua thuốc về uống và chưa bao giờ đi khám sức khỏe định kỳ. “Một số người cũng khuyên tôi đi khám để phòng bệnh ung thư nhưng tôi nghĩ, mình mới 30 tuổi làm gì có chuyện mắc ung thư được”, chị Nhàn chia sẻ.
Cho đến khi tình trạng đau bụng hạ vị xuất hiện nhiều, rối loạn phân, lúc lỏng, lúc táo, phân nhầy máu, sút cân, người mệt mỏi chị Nhàn mới đến bệnh viện khám. Kết quả thăm khám và làm các xét nghiệm, chụp chiếu cho thấy, bệnh nhân bị ung thư đại trực tràng giai đoạn cuối đã di căn phổi.
Rất nhiều người trẻ có triệu chứng ung thư nhưng thường chủ quan và bỏ qua. (Ảnh minh họa)
Sau khi có kết quả, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cắt đoạn đại tràng, vét hạch, lập lại lưu thông tiêu hóa, sau mổ bệnh nhân ổn định, hiện đang điều trị hóa chất bổ trợ. Hiện tại bệnh nhân sức khỏe có tiến triển, đang được chăm sóc tại khoa Ung bướu của bệnh viện.
PGS.TS.BS Phạm Cẩm Phương - GĐ Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, ung thư đại trực tràng là căn bệnh thường gặp ở Việt Nam, có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Nếu phát hiện ở giai đoạn sớm, bệnh được chữa khỏi lên tới 90%. Thực tế, nhiều người đã sống khỏe mạnh hơn 20 năm sau khi phát hiện bệnh.
Ung thư đại trực tràng có các triệu chứng điển hình như rối loạn tiêu hóa kéo dài; chán ăn khó tiêu; rối loạn bài tiết phân; đại tiện ra máu; phân mỏng hẹp hơn so với bình thường; sụt cân; cơ thể suy nhược, mệt mỏi…
Dù là căn bệnh thường gặp nhưng ung thư đại trực tràng hoàn toàn có thể phòng tránh được thông qua thói quen ăn uống lành mạnh. Theo đó, mọi người cần tránh các loại thịt đỏ (thịt bò, thịt cừu) được xem là có liên quan mật thiết đến ung thư đại tràng. Ăn khoảng 160g/ngày hoặc chế độ ăn với thịt quá 5 lần/tuần có nguy cơ cao gấp 3 lần. Dưới hình thức chiên, nướng, thịt xông khói, dăm bông, xúc xích, chất đạm sẽ làm tăng yếu tố sinh ung thư, còn mỡ sẽ bị chuyển hóa bởi vi khuẩn trong lòng ruột, làm tăng sản các tế bào biểu mô bất thường và phát triển thành ung thư.
Các loại thịt đỏ, thịt nướng rán nhiều dầu mỡ cũng tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.
Ăn nhiều thịt, mỡ, đạm, ít chất xơ dễ dẫn đến béo phì và có nguy cơ cao gây ung thư đại tràng, nên cần thay đổi chế độ ăn khoa học hơn để phòng bệnh. Các thức ăn chứa nhiều chất xơ (rau xanh, trái cây) giúp làm giảm nguy cơ này vì chất xơ giúp gia tăng tiêu thụ acid folic, gia tăng kết hợp chất xơ với các yếu tố sinh ung thư dẫn đến việc loại khỏi lòng ruột sớm vì giảm thời gian ứ đọng phân.
Các loại nước uống chứa cồn cũng làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng. Thuốc lá được biết đến như là những “sát thủ” của bệnh lý tim mạch hay ung thư phổi. Gần đây nó được công nhận là những yếu tố nguy cơ rất quan trọng gây ung thư đại tràng cho cả hai giới, nhất là khi kết hợp với rượu bia. Hoạt động thể lực, vận động hay luyện tập thể dục sẽ làm giảm nguy cơ mắc ung thư đại tràng.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi