Ung thư phổi và những điều quan trọng cần biết

Ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các loại bệnh ung thư ở cả nam và nữ. Tuy nhiên đây lại là căn bệnh có thể phòng ngừa nếu thay đổi lối sống, phát hiện sớm điều trị có kết quả cao.

Tổng quan

Phổi là một bộ phận của hệ hô hấp với vai trò chính là đưa oxy(O2) từ không khí vào và thải khí cacbon điôxít(CO2) ra ngoài cơ thể.

Cấu tạo của phổi bao gồm khí quản là ống dẫn khí chính còn gọi là cuống phổi và buồng phổi được chia đều hai cơ thể là bên phải và bên trái, mỗi buồng phổi đều có ống dẫn khí. Bên trong các ống dẫn khí có lớp màng nhầy mỏng có tác dụng giữ bụi, hạt phấn và các chất bẩn khác.

Ung thư phổi là các khối u hình thành từ các mô tế bào của phổi, các khối ung thư trong phổi chèn ép các ống khí và các dây thần kinh gây cản trở sự lưu thông của các luồng không khí.

Ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các loại bệnh ung thư ở cả nam và nữ. Tuy nhiên đây lại là căn bệnh có thể phòng ngừa nếu thay đổi lối sống, phát hiện sớm điều trị có kết quả cao.

Các loại ung thư phổi 

Có hai loại chính của ung thư phổi là ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không phải tế bào nhỏ. Ung thư phổi tế bào nhỏ là loại ung thư phát triển nhanh, nó có thể lây lan nhanh đến các bộ phận khác của cơ thể. Loại ung thư này thường xuất hiện ở người sử dụng thuốc lá và hiếm thấy ở người không hút thuốc. Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ phát triển chậm hơn và phổ biến hơn, đây là loại ung thư ít xâm lấn hơn loại trên. Trong các bệnh ung thư phổi có đến 85% những người ung thư phổi thuộc loại ung thư không tế bào nhỏ. Loại ung thư này nếu phát hiện sớm, phẫu thuật, xạ trị hay hóa trị có thể chữa khỏi căn bệnh này.

Các giai đoạn ung thư phổi

Mỗi loại ung thư phổi có cách xâm lấn khác nhau trong cơ thể. Như ung thư phổi tế bào nhỏ được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn giới hạn có nghĩa là ung thư được giới hạn trong một phổi và các hạch bạch huyết có thể ở gần vị trí khối u. Giai đoạn ung thư lan rộng có nghĩa là ung thư đã lan rộng khắp phổi hoặc ra các bộ phận khác. Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ được chia thành từ 1 đến 4 giai đoạn, tùy thuộc vào việc khối u lan rộng đến đâu.

Tuổi thọ của bệnh nhân ung thư phổi đang ngày càng tăng lên

Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật cũng như công nghệ y dược học, thời gian sống của bệnh nhân ung thư phổi đang được kéo dài hơn so với trước. Thống kê mới nhất của Viện Ung thư Quốc gia của Mỹ cho thấy từ năm 2004 đến năm 2010, những người được chẩn đoán ung thư phổi sống sau 5 năm tăng từ 4% lên 54%, tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh.

Nguyên nhân

Hút thuốc lá

90% trường hợp mắc ung thư phổi là kết quả của việc sử dụng thuốc lá nhất là ở những người nghiện thuốc lá thì nguy cơ ung thư phổi lại gia tăng tỉ lệ theo số điếu thuốc hút và thời gian đã hút thuốc. Những người hút hai hoặc nhiều hơn hai gói thuốc lá mỗi ngày thì trung bình cứ 7 người có một người chết vì ung thư phổi.

Hút thuốc lào và hút xì gà cũng có nguy cơ gây ung thư phổi, mặc dù không cao bằng hút thuốc lá. Theo một số thống kê của các chuyên gia về ung thư thì ở người hút mỗi ngày một gói thuốc lá thì nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 25 lần người không hút thuốc và nếu hút thuốc lào và xì gà thì nguy cơ mắc bệnh này cao hơn người không hút thuốc khoảng 5 lần.

Trong khói thuốc có chứa hơn 4.000 hợp chất hóa học và có rất nhiều chất trong số đó đã được các nhà khoa học chứng minh là nguyên nhân gây ra ung thư, trong số đó thì nitrosamine và polycyclic aromatic hydrocarbons có vai trò rất lớn trong việc gây bệnh ung thư.

Để đề phòng bệnh ung thư phổi do thuốc lá cần phải giảm dần rồi tiến đến ngưng hẳn thuốc lá. Do đó, cai thuốc lá là biện pháp tốt nhất để giảm nguy cơ mắc ung thư phổi mỗi năm vì sau khi ngưng hút thuốc lá các tế bào của phổi sẽ phát triển bình thường và dần thay thế các tế bào bị tổn thương trong phổi do thuốc lá gây ra.

Hút thuốc thụ động:

Hút thuốc thụ động là trường hợp người không hút thuốc nhưng lại hít phải khói thuốc lá của người hút thuốc và đây là một nguyên nhân làm cho tế bào ung thư phát triển để gây bệnh ung thư phổi. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người không hút thuốc sống cùng người hút thuốc thì nguy cơ mắc ung thư phổi gần gấp 4 lần so với sống cùng người không hút thuốc.

Amiăng:

Amiăng là những sợi silicat rất nhỏ và nhẹ mà mắt người không thể nhìn thấy được, chúng thường có trong không khí ở những nơi xây dựng như xây nhà, đập phá nhà và sửa chữa nhà. Khi hít phải chúng có thể sẽ dẫn đến bệnh ung thư nhưng trong một thời gian dài khoảng 20 - 30 năm sau đó. Do đó, đối với những công nhân xây dựng thường xuyên phải tiếp xúc với amiăng thì sẽ có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 5 lần người thường. Và hơn thế nữa nếu người thường xuyên tiếp xúc với amiang mà hút thuốc lá thì nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi tăng gấp 50 lần những công nhân chỉ tiếp xúc với amiăng.

Bệnh phổi mãn tính:

Sự hiện diện một số bệnh của phổi, đặc biệt là lao phổi có nguy cơ làm tăng sự phát triển của ung thư phổi gấp 4 - 6 lần so với nguy cơ của một người bình thường.

Ô nhiễm không khí:

Ô nhiễm không khí cũng là một trong những nguyên nhân gây nên bệnh ung thư phổi như các loại khói bụi từ các phương tiện giao thông, các khu công nghiệp, các nhà máy điện…cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi. Các chuyên gia dự báo rằng, nếu tiếp xúc với không khí ô nhiễm nặng trong thời gian dài thì nguy cơ mắc ung thư phổi sẽ tăng cao như ở những người hút thuốc lá thụ động.

Dấu hiệu cảnh báo sớm

Thở nặng nhọc

Khó thở hoặc thở khò khè có thể không phải là một triệu chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu bạn đột nhiên khó thở sau khi chạy lên cầu thang trong khi trước đây bạn không bị như vậy thì bạn nên nói chuyện với bác sĩ sớm bởi những triệu chứng này rất có thể do một khối u ở phổi gây ra, cản trở việc hô hấp của bạn.

Ho nhiều

Ho dai dẳng dẫn đến khàn giọng, tình trạng khàn giọng kéo dài vài tuần không khỏi... có thể là do vấn đề ở phổi gây ra, ví dụ như viêm phổi, nhiễm khuẩn phổi. Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng triệu chứng này do cảm lạnh hoặc dị ứng gây ra nên không đi kiểm tra. Kết quả là tình trạng viêm ở phổi tăng nặng hơn dẫn đến ung thư phổi nếu không được điều trị kịp thời.

Giảm cân nhanh chóng không rõ nguyên nhân

Trong bất kì trường hợp nào, sự sụt cân diễn ra nhanh chóng mà không rõ nguyên nhân, không liên quan đến việc bạn đã cắt giảm calo hoặc tập thể dục... thì rất có thể là do bệnh tật gây ra, kể cả bệnh ung thư. Thêm vào đó, nếu bạn cảm thấy ăn không ngon miệng thì càng dễ kết luận nguyên nhân có thể là do một khối u bên trong cơ thể bạn gây ra, không ngoại trừ khối u ở phổi dẫn đến ung thư phổi sau này. Khối u này sẽ làm tăng đột ngột sự trao đổi chất trong cơ thể bạn và gây ra tình trạng trên.

Đau ngực

Một triệu chứng điển hình của ung thư phổi là đau ngực, nhất là khi bạn cảm thấy đau sâu trong phổi mỗi khi nhấc một cái gì đó, khi bạn ho hoặc cười. Ngoài ra, dấu hiệu đau dai dẳng trong ngực mà không hết sau một thời gian dài cũng có thể là một biểu hiện của bệnh ung thư phổi mà bạn cần chú ý.

Đau tay và các ngón tay

Đau và mỏi ở các ngón tay có thể là hai dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh ung thư phổi mà nhiều người có xu hướng bỏ qua. Trong phần lớn các trường hợp, khi da của lòng bàn tay trở nên dày và có màu trắng với nếp nhăn rõ rệt thì càng có nhiều khả năng bạn bị ung thư phổi. Bạn nên đi khám để xác định tình trạng bệnh của mình.

Đờm có lẫn máu

Ho ra đờm có lẫn máu không bao giờ là dấu hiệu tốt, ngay cả khi lượng máu đó rất ít hoặc nhạt màu. Nếu bạn gặp tình trạng này, nên đi khám ngay lập tức vì nó có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm bệnh ung thư phổi hoặc một bệnh nghiêm trọng nào đó trong cơ thể bạn.

Thay đổi tâm trạng thất thường

Bạn cảm thấy mình có thể dễ dàng thay đổi tâm trạng nhanh chóng, hay giận dữ và khó chịu, tiếp theo là mệt mỏi và thậm chí trầm cảm... thì rất có thể bạn đang có nguy cơ bị ung thư phổi hoặc bệnh ung thư nào đó. Vì bệnh ung thư có thể làm cho bạn bị rối loạn nội tiết, kích thích các dây thần kinh kiểm soát cảm xúc.

Thường xuyên bị nhiễm khuẩn

Ung thư phổi có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng ảnh hưởng đến đường hô hấp và dẫn đến các bệnh như viêm phế quản hoặc các bệnh nhiễm trùng mạn tính khác. Nếu bạn bị nhiễm trùng phổi mạn tính, bạn nên dành thời gian đi chụp Xquang phổi để biết mình có nguy cơ bị ung thư phổi hay không.

Đau vai

Đau vai có thể xảy ra nếu một khối u phổi phát triển và gây áp lực lên phần trên của phổi và các dây thần kinh ở nách. Áp lực này thường sẽ dẫn đến đau nhức, ngứa ran và cảm giác đau ở vai, bên trong cánh tay và bàn tay.

Bất thường ở các mô vú

Dấu hiệu này thường gặp ở nam giới nhiều hơn. Đó là tình trạng vùng ngực to lên bất thường do các tế bào bệnh ung thư kích thích sự tiết nội tiết tố một cách bất thường. Tuy nhiên, chị em cũng không nên bỏ qua điều này vì rất có thể đó là do các tế bào ung thư phổi hoặc ung thư ở bộ phận khác gây ra.

Sàng lọc

Ung thư phổi có thể được phát hiện sớm bằng chụp CT. Ở Mỹ, có một số đối tượng được khuyên đi sàng lọc ung thư phổi như những người hút thuốc hay có người thân nghiện thuốc, sống trong môi trường ô nhiễm, những người từ 55 đến 80 tuổi được khuyến cáo đi sàng lọc ung thư phổi. Nếu bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá nên định kỳ đi kiểm tra sức khỏe phổi. Ở những người trẻ nếu dừng hút thuốc trong vòng 15 năm có thể ngừng khám sàng lọc ung thư phổi.

Chẩn đoán

Trong hầu hết các trường hợp, khi bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân mắc ung thư phổi với các triệu chứng điển hình như ho mãn tính hoặc thở khò khè, lúc đó, bác sĩ sẽ cho người bệnh đi chụp X-quang hoặc các xét nghiệm hình ảnh khác. Bệnh nhân cũng có thể được yêu cầu xét nghiệm đờm. Nếu một trong các xét nghiệm cho thấy xuất hiện dấu hiệu của ung thư, bước tiếp theo bác sĩ sẽ tiến hành sinh thiết phổi.

Điều trị

Nếu bệnh nhân mắc ung thư phổi không phải tế bào nhỏ được phát hiện trước khi nó lan sang các bộ phận khác của cơ thể hoặc mới chỉ xuất hiện ở một bên phổi, phẫu thuật là biện pháp tốt nhất. Các bác sĩ phẫu thuật có thể loại bỏ phần có khối u. Một số bệnh nhân được xạ trị hoặc hóa trị sau phẫu thuật để diệt các tế bào ung thư còn lại. Đối với bệnh ung thư phổi tế bào nhỏ phẫu thuật dường như không có giá trị vì tại thời điểm chẩn đoán, ung thư có thể đã lan sang các cơ quan khác của cơ thể.

Khi ung thư phổi di căn

Khi ung thư phổi đã di căn các bác sĩ vẫn có thể chữa trị để giúp bệnh nhân kéo dài cuộc sống và có chất lượng cuộc sống tốt hơn. Bức xạ hoặc hóa trị liệu có thể thu nhỏ khối u và điều trị các triệu chứng, như đau xương hoặc khó thở. Hóa trị biện pháp duy nhất và thường xuyên được áp dụng ở các bệnh nhân bị bệnh ung thư phổi tế bào nhỏ.

Điều trị bằng phương pháp nhắm mục tiêu

Phương pháp điều trị nhắm mục tiêu là một phương thức điều trị mới của ung thư phổi, nó có thể được sử dụng cùng với hóa trị liệu hoặc khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả. Phương pháp nhắm mục tiêu là nhằm chặn các mạch máu tới nuôi dưỡng tế bào ung thư ở khối u. Nó có thể giúp bệnh nhân ung thư phổi sống lâu hơn. Phương pháp điều trị nhắm mục tiêu có thể làm gián đoạn các tín hiệu chịu trách nhiệm nhân lên trong tế bào ung thư trong hình ảnh ở trên.

Phòng bệnh

Ngoài thuốc lá là nguyên nhân chủ yếu gây ra ung thư phổi, còn rất nhiều nguyên nhân khác, một nửa số người bị mắc bệnh này hiện là người không hút thuốc. Sau đây là các cách phòng tránh:

Cai thuốc lá: Nếu bạn đang hút, hãy bỏ thuốc ngay lập tức. Nếu không phải là người hút thuốc, đừng bao giờ hút thử. Tránh cả hút thuốc lá thụ động, hít phải khói thuốc của người hút.

Tập thể dục: Tập luyện thường xuyên có thể hữu ích trong phòng ngừa ung thư phổi. Nghiên cứu đã gắn hoạt động thể lực trong việc giảm nguy cơ ung thư phổi. Kể cả các hoạt động đơn giản như làm vườn 2 lần 1 tuần có thể giúp bạn giảm nguy cơ mắc ung thư phổi.

Chế độ ăn giàu rau xanh và hoa quả: giúp ngăn ngừa ung thư phổi. Hãy ăn các loại rau đa dạng nhiều màu sắc khác nhau như súp lơ, rau chân vịt, hành, táo, cà chua, cam,...

Tránh môi trường phóng xạ: cần kiểm tra nhà bạn để tránh các yếu tố phóng xạ.

Chăm sóc bệnh nhân

Đối với bệnh ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng, quá trình chăm sóc đóng vai trò quan trọng trong điều trị cũng như sự phục hồi của người bệnh. Bởi vậy, cần phải biết cách chăm sóc đúng để cho người bệnh có cuộc sống tốt, nhất là trong thời gian điều trị.

Theo dõi sức khỏe người bệnh

Nhận định tình trạng người bệnh và quan sát, theo dõi những thay đổi trên người bệnh. Nếu người bệnh có ho khan hay ho có đờm, quan sát màu sắc, tính chất của đờm. Người bệnh có chán ăn hoặc thích ăn món gì. Kiểm tra tình trạng người bệnh có khó thở không? ho có đờm lẫn máu, đau ngực, tức ngực... Ngoài ra đặc biệt lưu ý người bệnh có hiện tượng nuốt khó, khàn tiếng, phù vùng đầu, cổ hoặc sụp mi mắt, nếu có triệu chứng trên cần báo bác sĩ ngay.

Phòng nhiễm khuẩn 

Cần khuyên và hướng dẫn người bệnh  không đến những nơi ô nhiễm, đồng thời duy trì hệ thống thoáng gió tại phòng bệnh. Làm sạch đường thở: vỗ rung lồng ngực, dẫn lưu tư thế, ho có hiệu quả, nếu đờm đặc có thể khí dung hơi nước để làm loãng  đờm, không được hút thuốc lá vì nó làm giảm sức bảo vệ của đường hô hấp. Theo dõi phát hiện sớm dấu hiệu nhiễm khuẩn: sốt là dấu hiệu quan trọng.Thực hiện các quy trình kỹ thuật phải tuyệt đối vô khuẩn.

Phòng ở của bệnh nhân cần được sạch sẽ thoáng mát, không có quá nhiều ánh nắng hoặc gió lùa.  Người chăm sóc nên dọn dẹp căn phòng lúc nào cũng sạch sẽ nhất để tránh cho bệnh nhân bị nhiễm khuẩn đường hô hấp. Nên nhắc nhở người bệnh không nên ra ngoài đến nơi có nhiều khói bụi như ngoài đường mà chỉ nên đi lại nơi có không khí trong lành nhiều cây xanh.

Tăng cường dinh dưỡng 

Đảm bảo chế độ ăn giàu đạm, tăng calo, nhiều vitamin. Cho người bệnh ăn nhiều bữa, thức ăn lỏng dễ tiêu như: cháo thịt, súp, sữa, hoa quả... vì ăn uống quyết định một phần vào trong liệu pháp điều trị của bác sĩ. Căn bệnh ung thư nếu người bệnh ăn được thứ gì cứ cho họ ăn nếu thứ đó tốt cho sức khỏe của người bệnh. Người chăm sóc không chỉ là người chỉ chăm lo đến sức khỏe của bệnh nhân mà còn là người nội trợ tài ba nấu các món ăn đẹp mắt và có đầy đủ chất dinh dưỡng cho người bệnh. Những loại thực phẩm mà khuyến khích người bệnh ăn đó là những thực phẩm có nhiều protein, vitamin, calo cung cấp năng lượng và nâng cao hệ miễn dịch cho cơ thể người bệnh. Khi bị ung thư phổi, người bệnh nên tích cực bổ sung các loại sữa ít béo, cải xanh, cải lá, rau bina, cà chua, trái cây màu tía giàu flavonoids và trà xanh… bởi chúng giúp làm giảm tốc độ phát triển của bệnh. Nên tích cực sử dụng các loại thực phẩm dễ tiêu hoá, thức ăn được chế biến mềm, lỏng… vì lúc này, hệ tiêu hoá của bệnh nhân sẽ dần kém đi, không đủ khả năng xử lý những thực phẩm có thành phần phức tạp. Tăng cường protein so với bình thường thông qua các loại thực phẩm giàu protein như thịt gà, cá, trứng… Bệnh nhân cần uống nhiều nước để bù lại lượng nước bị hao hụt do thuốc điều trị ung thư và sự thay đổi chuyển hoá trong cơ thể.

Cần kiêng đồ cay như tiêu, ớt, bột cari, rượu, kiêng đồ ngậy béo như lạc, hồ đào, đồ hun nướng…

Chăm sóc về tinh thần

Người thân và người chăm sóc cần thường xuyên thăm hỏi, động viên an ủi bệnh nhân an tâm điều trị. Quan tâm diễn biến tâm lý bệnh nhân để phát hiện bất thường. Giải thích những thắc mắc của người bệnh để người bệnh không lo lắng.

Chăm sóc ho, giảm khó thở và đau 

Để giảm khó thở, cho bệnh nhân nằm đầu cao, cho thở ôxy theo y lệnh của bác sĩ. Dùng thuốc theo y lệnh: long đờm, khí dung, giãn phế quản. Hướng dẫn người bệnh hít sâu, thở đều bằng mũi, dặn bệnh nhân tập trung chú ý vào hơi thở giúp dễ thở hơn.

Để giảm đau cần hướng dẫn bệnh nhân nằm tư thế thoải mái để giảm đau. Hướng dẫn bệnh nhân đặt tay ôm ngực khi ho để giảm đau. Tăng cường giấc ngủ, làm giảm lo lắng cho bệnh nhân. Thực hiện thuốc giảm đau theo y lệnh.

Nếu bệnh nhân ho với lượng đờm nhiều, đờm chuyển từ màu trắng, trắng đục sang màu vàng thì cần phải lấy mẫu đờm gửi xét nghiệm. Nếu bệnh nhân ho đờm lẫn máu thì báo bác sĩ dùng thuốc cầm máu.

Thông Tin Cần Biết

Bệnh ung thư khác

Tin hay đừng bỏ lỡ

TIN MỚI TRONG NGÀY

Cách ăn chay tốt cho sức khỏe tim mạch

Cách ăn chay tốt cho sức khỏe tim mạch

Chế độ ăn chay có thể tốt cho huyết áp, cải thiện mức cholesterol và duy trì cân nặng khỏe mạnh, tất cả đều giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Tuy nhiên, nên biết cách ăn chay phù hợp để...