Bác sĩ chuyên khoa gan mật bị viêm gan B nhưng chủ quan không kiểm tra định kỳ lại có thói quen ăn lạc thường xuyên nên có thể đã bị nhiễm aflatoxin từ lạc mốc hỏng nên cuối cùng dẫn tới ung thư gan.
Gan là một trong những cơ quan thầm lặng trong cơ thể, một khi cơ thể xuất hiện những biểu hiện bất thường thì gan đã gặp vấn đề không hề nhẹ.
Bác sĩ khoa tiêu hóa và gan mật người Đài Loan Xiao Dunren gần đây đã chia sẻ trên chương trình sức khỏe "Doctor Is Hot" về người thầy của anh cũng là một bác sĩ phát hiện bị ung thư gan vì chủ quan với vấn đề nhiều người cũng gặp.
Bác sĩ gan mật cũng bị ung thư gan, 3 loại bệnh gan lớn không nên bỏ qua
Bác sĩ khoa tiêu hóa và gan mật Xiao Dunren chia sẻ rằng thầy giáo của anh (cũng là bác sĩ khoa tiêu hóa và gan mật) vì bận rộn với công việc nên thường ăn lạc (đậu phộng) để thỏa mãn cơn đói giữa các bữa ăn hoặc khi đã đến bữa nhưng không có thời gian ăn uống.
Không ngờ một ngày, người thầy bỗng phát hiện bụng trên bên phải của mình có điều bất thường, sau khi siêu âm phát hiện bản thân bị ung thư gan, khối u đã vỡ ra và chảy máu.
Bác sĩ khoa tiêu hóa và gan mật Xiao Dunren kể về người thầy bị ung thư gan do chủ quan với bệnh viêm gan B và ăn phải lạc bị mốc hỏng.
Theo phân tích của bác sĩ Xiao Dunren, sự chủ quan của người thầy là tác nhân chính gây ra tình trạng này. Thầy giáo của anh vốn bị viêm gan B. Mặc dù thường xét nghiệm máu để kiểm tra các chỉ số liên quan nhưng thầy lại bỏ qua việc siêu âm vì bận công việc và cho rằng siêu âm bất cứ lúc nào cũng được. Vì chủ quan với căn bệnh của mình nên cuối cùng bệnh tiến triển thành ung thư gan lúc nào không biết.
Bác sĩ Xiao Dunren cũng nhắc nhở thêm rằng có 3 loại bệnh gan mà mọi người không thể bỏ qua, bao gồm:
- Viêm gan do virus: Như viêm gan A, B, C, D,...
- Viêm gan do hóa chất: Viêm gan do rượu, ma túy và aflatoxin thường được tìm thấy trong lạc.
- Bệnh gan chuyển hóa: Chẳng hạn như gan nhiễm mỡ.
Bác sĩ Xiao Dunren cho biết nếu chỉ mắc một trong ba loại bệnh trên thì có thể vẫn ổn, nhưng nếu mắc hai trong số ba loại bệnh trên, chúng kết hợp với nhau sẽ có thể tăng gánh nặng cho gan, từi đó dễ dẫn đến hình thành khối u. Như trường hợp của người thầy là do viêm gan B đồng thời thường xuyên ăn thực phẩm có chứa aflatoxin đó là lạc bị mốc hỏng.
Tại sao viêm gan B có thể thành ung thư gan?
Bị viêm gan B làm tăng nguy cơ ung thư gan. Ung thư gan có thể phát triển do viêm và tổn thương lâu dài do nhiễm HBV mạn tính. Khi gan của bạn ở trong tình trạng viêm nhiễm kéo dài, có thể phát triển thành xơ gan. Khi các mô sẹo chiếm lấy gan, DNA trong các tế bào khỏe mạnh cũng có thể thay đổi, khiến các khối u ác tính (ung thư) có cơ hội phát triển.
Ung thư biểu mô tế bào gan (HCC) là một dạng ung thư gan nguyên phát. Nó xảy ra ở khoảng 1/3 số người bị viêm gan B. Nó cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong do ung thư trên toàn thế giới.
Ung thư gan là một biến chứng có thể phát triển từ bệnh viêm gan B mãn tính. (Ảnh minh họa)
Cẩn thận với aflatoxin: Lạc không bảo quản tốt dễ sản sinh nấm mốc
Chuyên gia dinh dưỡng người Đài Loan Wang Chengwei cho biết, aflatoxin sẽ phát triển nhanh chóng ở nhiệt độ từ 25 độ C đến 32 độ C và độ ẩm khoảng 80%. Lạc rất thích hợp cho nấm mốc phát triển cho dù đó là lạc sống, lạc nấu chín hay dầu lạc và đặc biệt là bơ lạc.
Bơ lạc đã được ướp gia vị nên hình thức và mùi rất khó phân biệt, trừ khi bị hư hỏng nặng mới có thể ngửi được mùi lạ, nếu chỉ hơi hỏng sẽ rất khó phát hiện. Hơn nữa, lạc sau khi được nghiền thành bơ, chúng có khả năng tiếp xúc với không khí cao hơn, dầu lạc dễ bị oxy hóa, ngay cả khi không có aflatoxin cũng có khả năng bị hỏng cao, vì vậy, khi mua bơ lạc, bạn phải lựa chọn cẩn thận và bảo quản cẩn thận, đúng cách.
Lạc dễ bị mốc hỏng nếu không được bảo quản tốt, từ đó sản sinh ra độc tố aflatoxin. (Ảnh minh họa)
Ngoài lạc, ngũ cốc và các sản phẩm từ sữa dễ bị nhiễm aflatoxin, chẳng hạn như phô mai, pho mát, sữa, sữa chua,... Chuyên gia Wang Zhengwei nhấn mạnh rằng sự xuất hiện của aflatoxin sẽ không ảnh hưởng đến mùi và thực phẩm cũng chưa có sự thay đổi khi độc tố này mới hình thành ở dạng sợi, do đó không dễ để phát hiện ra nó chỉ bằng mắt thường.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn có cách để phòng ngừa độc tố aflatoxin. Có ba chìa khóa chính dẫn đến sự phát triển của nấm mốc: nước, không khí và nhiệt độ. Chỉ cần loại bỏ một thứ, thực phẩm có thể được bảo quản tốt. Nên mua thực phẩm ở trạng thái hút chân không, vì nấm mốc không thể tồn tại trong trạng thái chân không. Sau khi mua về bảo quản nơi khô ráo, thực phẩm nếu đã mở ra cho vào ngăn mát tủ lạnh càng sớm càng tốt, tránh để thực phẩm ở nơi có độ ẩm cao.