Cô gái bị chẩn đoán ung thư vú giai đoạn 2 nhờ cuộc yêu với bạn trai. Chuyên gia khuyên bạn làm cách này để sớm phát hiện và ngăn ngừa bệnh.
Vài ngày trước, một nam thanh niên ở Tây An, Trung Quốc đã đăng lên trang cá nhân rằng, trong lúc ân ái với bạn gái, anh ta phát hiện có cục cứng trên ngực cô mà trước đó chưa từng thấy. Chàng trai này viết: “Tôi đã hỏi bạn gái về cục u trên ngực, nhưng cô ấy nói nó không đau. Tôi cảm thấy rất kỳ lạ, nên đã đưa bạn gái đến bệnh viện để khám”.
Nhờ cuộc "yêu" với bạn trai, cô gái phát hiện ung thư vú giai đoạn 2 (Ảnh minh họa)
Kết quả vô cùng bất ngờ, bạn gái của anh ta bị chẩn đoán ung thư vú giai đoạn 2. Nam thanh niên cũng cho biết, hiện tại anh đang cùng bạn gái trong quá trình điều trị ung thư, đồng thời khuyên tất cả các cô gái nên kiểm tra ngực thường xuyên, nếu có điều gì bất thường cần đến bệnh viện kiểm tra ngay lập tức.
Theo nghiên cứu của Mỹ, độ tuổi mắc bệnh ung thư vú đang có xu hướng trẻ hóa. Các cô gái cần phải làm gì để phòng ngừa ung thư vú? Chuyên gia dinh dưỡng Trần Quan Dung cho biết: Ung thư vú có 3 hướng để phòng ngừa và điều trị chính: Một là tầm soát định kỳ bằng cách siêu âm và chụp nhũ ảnh. Thứ hai là duy trì tâm trạng tốt và tập thể dục. Cuối cùng là chế độ ăn uống thông minh để ngăn ngừa ung thư vú.
Ăn uống để phòng ngừa ung thư vú: 3 ít 3 nhiều
3 ít
1. Ăn ít chất béo xấu
Các loại chất béo xấu thường chứa trong các loại thực phẩm như gà rán, khoai tây chiên, mì tôm, bim bim, thức ăn nhanh… Những thực phẩm chiên đi chiên lại nhiều lần ở nhiệt độ cao dễ sinh ra các gốc tự do có hại cho cơ thể con người. Ngoài ra, các loại bánh truyền thống như bánh nướng, bơ, bánh kem… đều chứa axit béo chuyển hóa, cơ thể không dễ hấp thu, có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư vú, do vậy nên ăn ít những thực phẩm này.
2. Ăn ít các loại thực phẩm chứa nhiều đường
Ngừa ung thư vú, phụ nữ nên hạn chế ăn các loại thực phẩm chứa nhiều đường (Ảnh minh họa)
Thực phẩm chứa nhiều đường như nước ngọt, trà sữa, bánh ngọt, kẹo trái cây,… Thực phẩm nhiều đường có xu hướng khiến lượng đường trong máu tăng cao nhanh chóng, dẫn đến insulin tiết ra quá nhiều, từ đó thúc đẩy quá trình tổng hợp các yếu tố tăng trưởng giống như insulin. Khi quá trình tổng hợp yếu tố tăng trưởng giống insulin tăng lên sẽ kích thích sự tăng sinh của tế bào ung thư, ức chế quá trình chết của tế bào ung thư, thúc đẩy sự phát triển của khối u.
3. Ăn ít thịt đỏ và thịt đã qua chế biến
WHO đã liệt kê thịt chế biến, chẳng hạn như xúc xích, thịt xông khói và dăm bông, là chất gây ung thư Nhóm 1. Các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt lợn, thịt cừu... đã được liệt kê là chất gây ung thư 2A. Chuyên gia dinh dưỡng Trần Quan Dung nhấn mạnh: "Những thực phẩm này không hoàn toàn không thể ăn được, nhưng mọi người nên tránh ăn quá nhiều thịt đỏ và thịt chế biến sẵn trong chế độ ăn hàng ngày. Tốt nhất là nên ăn thịt đỏ hai ngày một lần”.
3 nhiều
1. Ăn nhiều rau và trái cây nhiều màu sắc
Ăn nhiều loại trái cây và rau quả đủ các loại màu sắc như đỏ, cam, vàng, xanh lá cây, tím, đen, trắng… để bổ sung các chất phytochemical chống ung thư và chống oxy hóa, giúp ức chế sự phát triển của tế bào khối u và đạt được hiệu quả ngừa ung thư vú.
2. Ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt
Ngũ cốc nguyên hạt chẳng hạn như gạo lứt, yến mạch, đậu xanh, quinoa, lúa mạch... Ngũ cốc nguyên hạt rất giàu chất xơ, cũng như nhiều khoáng chất vi lượng và vitamin nhóm B, giúp ổn định lượng đường trong máu và cải thiện tình trạng viêm mãn tính.
3. Ăn nhiều đạm chất lượng cao
Các loại đạm chất lượng cao có trong các loại thực phẩm như: ức gà, thịt cá, đậu nành, trứng, hải sản. Những loại thực phẩm này chứa ít chất béo, ít calo, có thể linh hoạt kết hợp trong chế độ ăn hàng ngày, giúp bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể và tăng cường khả năng miễn dịch, phòng ngừa nguy cơ mắc các loại bệnh.