Nhiều người nói mỡ lợn gây tim mạch, nguy hại cho sức khỏe nhưng đó có phải là sự thật?
Mỡ lợn từng là loại thực phẩm quen thuộc trong bếp của nhiều gia đình Việt. Tuy nhiên, nhiều người trẻ cho rằng mỡ lợn hại sức khỏe, tim mạch nên chuyển sang ăn dầu thực vật. Bất chấp điều này, nhiều người Trung Quốc bảo lưu quan điểm "một thìa canh mỡ lợn bằng năm vị thuốc"... Vậy quan điểm nào là đúng?
Trong nhận thức của đa phần mọi người, mỡ lợn có thể chỉ là một loại chất béo thông thường, có tác dụng làm tăng thêm hương vị cho món ăn. Tuy nhiên, trên thực tế, mỡ lợn cũng là một vị thuốc trong y học cổ truyền Trung Quốc, có nhiều tác dụng chữa bệnh.
Mỡ lợn dùng đúng cách tốt cho sức khỏe. (Ảnh minh họa).
Theo Từ điển Y học Cổ truyền Trung Quốc, mỡ lợn có vị ngọt, béo, tính mát, có công dụng bổ huyết, dưỡng ẩm, giải độc. Nó có thể được sử dụng để điều trị các phủ tạng khô, đại tiện không lợi, ho khan, da nứt nẻ. Các tài liệu y khoa khác như Bản Thảo Cương Mục chỉ ra mỡ lợn giúp giải độc túi mật, giúp đào thải chất độc lưu huỳnh và các chất độc trong gan, có lợi cho dạ dày và ruột, thông tiểu, loại bỏ chứng vàng da và phù nề.
Các ghi chép y khoa khẳng định mỡ lợn không chỉ có thể bổ sung các chất thiếu hụt cho cơ thể sau sinh, giúp người ốm đau mãn tính dần phục hồi. Ăn mỡ lợn đúng cách có thể giúp bổ sung sự thiếu hụt năng lượng, giúp phục hồi sức khỏe, giống như người nông dân đi làm nương làm rẫy ăn nhiều mỡ lợn để tăng cường thể lực, do mỡ lợn có tác dụng sinh nhiều calo, giúp bù đắp sự thiếu hụt.
Mỡ lợn còn có thể làm ẩm da khô, đóng vai trò chăm sóc và giữ ẩm cho da, đặc biệt là các vấn đề như nứt nẻ bàn tay và bàn chân do thời tiết khô và lạnh.
Ngoài những tác dụng trên, mỡ lợn còn kích thích vị giác. Bạn thấy nếu rang cơm bằng mỡ lợn sẽ ngon hơn rất nhiều so với dầu thực vật. Điều này là do trong mỡ lợn có chứa một lượng vi lượng protein đặc biệt và glyxerin. Sản phẩm phân hủy của este có mùi thơm, và các món chiên với mỡ lợn cũng có mùi thơm này, khiến chúng ta cảm thấy thèm ăn. Điều này chủ yếu là do mỡ lợn có chứa một lượng nhỏ các protein đặc biệt và các sản phẩm phân hủy của glyxerit. Vì vậy, nó có một mùi thơm đặc biệt.
Cuối cùng, ăn mỡ lợn thường xuyên cũng có thể giúp tránh được cảm lạnh do trong mỡ lợn chứa nhiều loại axit béo, tương đối nhiều calo nên có thể cung cấp đủ calo cho cơ thể con người.
Mỡ lợn có nguy hiểm như lời đồn?
Nhiều ý kiến cho rằng mỡ lợn giết chết hệ tim mạch, làm hại các mạch máu não. Thường xuyên ăn mỡ lợn dễ gây ra bệnh tim mạch và các vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe. Các quan điểm này cho rằng trong mỡ lợn có chứa nhiều axit béo và cholesterol, đặc biệt là axit béo no, nếu ăn quá nhiều sẽ dễ dẫn đến rối loạn mỡ máu, gây xơ vữa động mạch, không có lợi cho sức khỏe mạch máu, dễ gây ra các bệnh tim mạch. Tuy nhiên, phản bác lại điều này, một số học giả đã tiến hành phân tích một số kết quả dịch tễ học dinh dưỡng để chỉ ra rằng không tìm thấy mối liên hệ rõ ràng giữa tổng lượng axit béo bão hòa trong lượng mỡ lợn ăn vào với các bệnh tim mạch và mạch máu não.
Một nghiên cứu trên tạp chí The Lancet năm 2017 đã chỉ ra, không có mối tương quan đáng kể giữa tổng chất béo, chất béo bão hòa và chất béo không bão hòa trong chế độ ăn và tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch. Năm 2020, Hiệp hội Tim mạch Mỹ cũng đã phân tích một nghiên cứu và chỉ ra rằng không có bằng chứng cho thấy lượng chất béo bão hòa ăn vào có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim.
Thực tế cho thấy, tại nhiều quốc gia, ngay cả khi "nói không" với mỡ lợn, tỷ lệ mắc các bệnh tim mạch không hề giảm. Ngoài ra, các thống kê cho thấy bệnh này xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó có hút thuốc lá, uống rượu bia, ăn nhiều muối, nhiều đường, béo phì, lười vận động...
Ăn bao nhiêu mỡ lợn là đủ?
Đối với người bình thường, việc bổ sung mỡ lợn hợp lý trong cuộc sống hàng ngày không gây hại cho cơ thể mà ngược lại còn có những lợi ích nhất định. Tuy nhiên, đối với những người mắc bệnh tim mạch hoặc những người cao huyết áp, mỡ máu cao, béo phì... thì nên ăn ít mỡ lợn hơn.
Hướng dẫn chế độ ăn uống cho người dân Trung Quốc cho biết, lượng chất béo bão hòa mỗi người dung nạp nên ít hơn 10% tổng lượng calo. Dựa trên lượng calo nạp vào cơ thể là 2.000 kcal mỗi ngày, lượng axit béo bão hòa hấp thụ có thể được kiểm soát ở mức khoảng 20 gam, tương đương 50 gam nếu thay thế bằng mỡ lợn. Vì vậy, chỉ cần chúng ta ăn không quá 50 gam mỡ lợn mỗi ngày, bạn không cần lo lắng gì về việc mỡ lợn gây hại sức khỏe.
Hiệp hội Dinh dưỡng Trung Quốc cũng đề xuất, việc dung nạp ba loại axit béo hàng ngày tốt nhất là theo tỷ lệ 1:1:1, tức là axit béo bão hòa: axit béo không bão hòa đơn thể: axit béo không bão hòa đa thể = 1:1:1. Vì vậy, nên ăn lần lượt mỡ lợn và dầu thực vật một cách cân đối. Ví dụ, mỡ lợn có thể được sử dụng khi chiên các món ăn chay, dầu thực vật có thể được sử dụng chiên các món thịt, chẳng hạn như gà, vịt, cá, thịt bò.