Nước cần thiết cho cơ thể nhưng có một số loại nước có thể gây tổn thương sức khỏe, thậm chí tăng nguy cơ ung thư.
Tỷ lệ tử vong do ung thư thực quản chỉ tương đương ung thư dạ dày, các triệu chứng của ung thư thực quản giai đoạn đầu không rõ ràng và dễ bị bỏ qua nên khi phát hiện, người bệnh thường bỏ lỡ thời gian điều trị tốt nhất.
Chính vì những đặc điểm này của bệnh ung thư thực quản, mọi người cần quan tâm hơn đến những biểu hiện bất thường trên cơ thể. Theo thống kê, có tới 80% nguyên nhân ung thư thực quản xuất phát từ yếu tố bên ngoài, chỉ có 10% từ gen di truyền. Do đó muốn phòng ngừa ung thư thực quản cần loại bỏ những thói quen xấu trong cuộc sống.
Đặc biệt chuyên gia cảnh báo những người thường xuyên uống 2 loại nước sau thì nên dừng lại, bởi chúng là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản.
1. Nước quá nóng
Nước đặc biệt cần thiết cho sự sống. Nước chiếm hàm lượng khá lớn trong cơ thể. Một người không thể tồn tại được mà không có nước trong khoảng một tuần. Hơn nữa, nước còn mang lại rất nhiều lợi ích cho cơ thể khi được cung cấp đầy đủ chẳng hạn như giúp các khớp hoạt động tốt hơn, hoặc làm cho tim khỏe mạnh hơn...
Tuy nhiên, có một điều quan trọng cần lưu ý, chúng ta không nên uống nước nóng trên 65°C. Bởi vì niêm mạc thực quản của con người tương đối mỏng, nó chỉ có thể chịu được nhiệt độ cao nhất là 60℃.
Nếu thường xuyên uống nước quá nóng trong thời gian dài sẽ khiến niêm mạc thực quản bị tổn thương nhiều lần đến mức không kịp phục hồi, từ đó thúc đẩy nguy cơ mắc ung thư thực quản.
Vì vậy, mọi người phải kiểm soát nhiệt độ nước uống hàng ngày, trong trường hợp bình thường, nên uống nước ấm khoảng 35-40 độ C là tốt nhất. Nước ấm không những không gây kích ứng dạ dày mà còn làm loãng máu, đẩy nhanh quá trình lưu thông máu và trao đổi chất.
2. Đồ uống có cồn
Khi uống bia rượu, chỉ sau 5 phút đã có tác động lên não làm tăng tiết dopamin giúp cho cơ thể khoan khoái dễ chịu và có phần hưng phấn quên hết mệt nhọc. Đây là lý do nhiều người thích uống bia, rượu. Tuy nhiên, rượu bia từ lâu đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác định là chất gây ung thư, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của gan, mà còn gây hại cho miệng, ruột và thực quản.
Rượu bia khi vào cơ thể người sẽ bị phân hủy dần thành chất acetaldehyde gây ung thư. Tiêu thụ rượu dù ở mức độ nào cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản. Ngoài ra, những người bị thiếu hụt enzyme chuyển hóa rượu có nguy cơ tăng đáng kể mắc ung thư biểu mô tế bào vảy nếu họ uống rượu.
Trên thực tế, để ngăn ngừa ung thư thực quản, ngoài việc tránh xa hai loại nước trên, cũng nên tránh ăn nhiều những loại thực phẩm dưới đây:
1. Đồ ăn quá nóng
Tương tự như nước quá nóng, ăn thực phẩm ở nhiệt độ cao cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản. Theo các nghiên cứu lâm sàng hiện nay thì việc tiêu thụ thực phẩm quá nóng có nguy cơ mắc ung thư thực quản vì nhiệt độ cao có thể làm tổn thương niêm mạc thực quản.
2. Đồ muối chua
Các món muối chua như dưa muối, cà muối,… tuy đáp ứng được cảm giác ngon miệng khi ăn nhưng lại tiềm ẩn những nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Đặc biệt, nhiều người có sở thích ăn dưa cà muối xổi, điều này không hề tốt. Khi muối dưa, nitrat trong rau sẽ bị vi sinh vật chuyển hóa thành nitrit. Hàm lượng nitrit đặc biệt tăng cao trong mấy ngày đầu rồi giảm đi và mất hẳn khi dưa đã chua vàng.
Như vậy, trong dưa muối xổi chứa nhiều nitrit, khi ăn vào... axit trong dạ dày sẽ tạo điều kiện cho nitrit tác động vào các axit amin từ các thực phẩm khác như thịt, cá…để tạo thành hợp chất nitrosamin là một chất có khả năng gây ung thư trên động vật thí nghiệm. Nếu dùng quá thường xuyên dưa, cà muối xổi sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
3. Ăn cay quá nhiều
Các loại thực phẩm như ớt thực sự có thể kích thích vị giác của con người, nhưng thực phẩm quá cay có thể dễ dàng làm tổn thương biểu mô thực quản. Do đó làm tăng nhạy cảm với chất gây ung thư và thúc đẩy ung thư thực quản nếu chúng ta ăn quá nhiều đồ cay thường xuyên.
Tóm lại, ung thư thực quản là căn bệnh có độ ác tính cao, nếu xảy ra không chỉ khiến người bệnh khó nuốt, sụt cân… mà còn có thể nguy hiểm đến tính mạng. Nếu đã có thói quen xấu trước đây thì phải làm tốt công tác khám sức khỏe thường xuyên, phát hiện sớm và điều trị sớm, để nâng cao tỷ lệ chữa khỏi bệnh và kéo dài thời gian sống.