Kim ngân hoa - vị thuốc quý cho sức khỏe

Tổng quát

Kim ngân hoa hay còn có tên gọi khác là nhẫn đông hoa. Sở dĩ có tên này vì cây không những có khả năng chịu đựng được mùa đông mà còn có thể phát triển xanh tốt vào giai đoạn thời tiết này (nhẫn đông nghĩa là chịu đựng mùa đông).

Cây kim ngân khi ra hoa có điểm rất đặc biệt là những hoa ra sớm sẽ có màu trắng như bạc, sau đó một thời gian nở lâu dài các hoa này sẽ chuyển sang màu vàng, cho nên trên cùng một cây ta có thể thấy được 2 màu sắc hoa cùng hiện diện là hoa trắng và hoa vàng, vì thế cây được đặt tên là kim ngân (kim là vàng, ngân là bạc).

Tác dụng với sức khỏe

Theo Đông y, kim ngân hoa vị ngọt, tính hàn, không độc, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, trị sốt. Trong nhân gian thường sử dụng để chữa mụn nhọt, rôm sảy, thủy đậu, sởi, tả lỵ. Ngoài ra, đã có một số nghiên cứu cho thấy kim ngân có vai trò trong điều trị dị ứng, viêm mũi và thấp khớp. Liều thường dùng trong ngày từ 12 - 20g hoa khô.

Ngày nay, khi chiết xuất các thành phần có trong hoa kim ngân, người ta tìm thấy trong đó một số các chất có lợi trong việc phòng cũng như điều trị bệnh như flavonoid, saponin và các yếu tố khác có công dụng kháng khuẩn, kháng viêm, chống khối u, làm mau liền sẹo. Đồng thời, các chất hiện diện trong cây có khả năng chống lại quá trình oxy hóa của cơ thể, ngăn chặn quá trình lão hóa cũng như có vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa các căn bệnh mạn tính.

Qua một số nghiên cứu về khả năng sử dụng kim ngân hoa như một loại kháng sinh thực vật, người ta đã thấy được công dụng hiệu quả của nó đối với việc đề kháng một số vi khuẩn như: trực khuẩn lỵ, dịch hạch, thương hàn, cận thương hàn, liên cầu khuẩn tan huyết và có tác dụng yếu hơn đối với các loại vi khuẩn khác như: E.coli, phế cầu, tụ cầu vàng, bạch hầu. Ngoài ra, nó còn có khả năng ức chế một số nấm ngoài da khá hiệu quả.

Kim ngân hoa có khả năng kháng viêm, giảm xuất tiết, hạ sốt, làm thanh mát cơ thể. Người xưa thường sử dụng kim ngân pha nước uống để giải nhiệt cơ thể, làm dịu mát trong những ngày thời tiết oi bức, hay cho trẻ em sử dụng để điều trị rôm sảy, mẩn ngứa.

Kim ngân hoa có tác dụng thanh thấp nhiệt ở vị tràng, dùng để chữa trị kiết lỵ, có thể phối hợp với hoàng liên, rau sam. Hay dùng để lương huyết, cầm máu bằng cách đem kim ngân hoa sao vàng sém cạnh để trị chứng tiểu tiện ra máu.

Bên cạnh đó, các nhà lâm sàng còn thấy rằng sau khi sử dụng kim ngân hoa một thời gian có tác dụng làm hạ các cholesterol không có lợi trong cơ thể, đặc biệt là thành phần cholesterol trọng lượng phân tử thấp hay còn gọi là LDL-, yếu tố này nếu tăng nhiều trong hệ tuần hoàn sẽ dẫn tới những hệ quả bất lợi cho cơ thể, là nguyên nhân gây nguy cơ cao dẫn đến các căn bệnh mạn tính thường gặp như: xơ vữa động mạch, đái tháo đường, các tai biến trên mạch máu não và tim.

Đồng thời, khi sử dụng nó còn làm cho cơ thể trở nên hưng phấn hơn, tạo cảm giác dễ chịu hơn, đặc biệt là khi thời tiết nắng nóng hoặc đối với những người có cơ địa thiên về nhiệt, hay đang mệt mỏi, nóng trong người.

Tác dụng với làm đẹp

Chè ngân hoa – hạt sen: Kim ngân hoa 30g, hạt sen 100g, đường phèn một ít. Kim ngân hoa rửa sạch, hạt sen sau khi ngâm nước ấm bỏ tim, rửa sạch. Kim ngân hoa cho vào nồi, sau khi dùng lửa mạnh nấu sôi, chuyển sang lửa nhỏ nấu 5 phút, bỏ bã lấy nước cốt. Hạt sen, nước cốt kim ngân hoa cho vào nồi, sau khi dùng lửa mạnh nấu sôi, chuyển lửa nhỏ nấu cho đến khi hạt sen nhừ, nêm đường phèn. Ngày 1 lần, dùng điểm tâm sáng. Món chè này giúp thanh nhiệt giải độc, an thần, bổ phổi, dưỡng sắc đẹp.

Canh ngân hoa nấu le le: Le le (vịt trời) 1 con, kim ngân hoa 20g, sinh địa 10g, thịt nạc 200g, dầu ăn và bột nêm vừa đủ. Le le giết mổ sạch, thịt nạc rửa sạch, thái lát sử dụng sau. Nước sạch, le le, thịt nạc, sinh địa cùng cho vào trong nồi để nấu, nấu khoảng 2 tiếng, thêm vào kim ngân hoa và bỏ bột nêm thì hoàn tất. Món canh công hiệu thanh nhiệt giải độc, khu hỏa nhuận táo (hạ nhiệt, giữ ẩm), làm đẹp.

Món ăn bài thuốc

Ngân hoa bạc hà ẩm: kim ngân hoa 30g, bạc hà 10g, lô căn tươi 60g. Sắc lô căn và kim ngân khoảng 15 phút, cho tiếp bạc hà đun thêm trong 3 phút, đem lọc lấy nước pha thêm đường, uống. Dùng cho người bị cảm nhiệt, sốt nóng, thời kỳ đầu của các bệnh nhiễm virus như sốt xuất huyết, phát ban, sốt sưng hạch...

Nước chè kim ngân hoa cúc: kim ngân hoa, cúc hoa, liều lượng bằng nhau 10 - 12g. Pha hãm uống thay chè. Dùng tốt cho  người bị cảm nắng (say nắng, say nóng), nổi ban mẩn ngứa dị ứng.

Kim ngân hoa ẩm: kim ngân hoa 30g sắc lấy nước, cho thêm đường liều lượng tuỳ ý, đun sôi lại, chia uống 3 lần trong ngày. Dùng tốt cho người bệnh có hội chứng lỵ cấp: sốt nóng, đầy bụng, nôn thổ, đại tiện xuất huyết, đau quặn bụng.

Cháo hạt sen, kim ngân: kim ngân hoa 30g, gạo tẻ 60g, hạt sen 30g. Kim ngân nấu sắc lấy nước, đem nấu cháo với gạo vo sạch và hạt sen, cháo chín thêm chút đường hoặc muối. Dùng tốt cho người bị tiêu chảy cấp, lỵ cấp, mụn nhọt cấp tính; các bệnh siêu vi trùng cấp sốt nóng, sưng hạch phát ban.

Tác dụng phụ

Cũng cần lưu ý rằng, vì kim ngân có tính chất hàn nhiều nên khi sử dụng với hàm lượng cao hoặc lâu dài sẽ khiến cho tình trạng nê trệ hệ thống tiêu hóa, gây ra các triệu chứng như: ăn uống không tiêu, đầy bụng, ợ hơi hoặc nặng hơn có thể dẫn tới tình trạng tiêu phân lỏng.

Các nghiên cứu hiện nay cũng cho thấy rằng, hoa kim ngân không có độc tính nên ta có thể yên tâm phần nào khi có những biểu hiện của tác dụng phụ. Nếu có xuất hiện những triệu chứng trên, người dùng hãy ngưng sử dụng hoặc giảm liều lượng trong vài ngày thì các tình trạng đó sẽ không còn nữa.

Ai không nên dùng

Người tỳ vị hư hàn không dùng; người bị mụn nhọt thuộc âm, hoặc khi vỡ chảy nước, mủ chảy ra màu trong nhạt, đều không nên dùng.

Thông Tin Cần Biết

Cây thuốc khác

Tin hay đừng bỏ lỡ

TIN MỚI TRONG NGÀY