Con gái đáng yêu da trắng hơn cả trứng gà bóc, mẹ tưởng thế là tốt nhưng không hiểu sao con ngày càng yếu

HOÀNG DƯƠNG - Ngày 06/03/2023 09:02 AM (GMT+7)

Thấy con có làn da trắng sứ, xinh xắn đáng yêu nên cha mẹ vô cùng tự hào. Nhưng chẳng bao lâu sau lại phải đưa con đi khám mới biết con trắng do thiếu chất.

Theo quan điểm của nhiều nước Á Đông, làn da trắng được xem là đẹp. Nhiều bà mẹ khi mang bầu luôn cố gắng ăn những thứ mà họ cho là sẽ giúp con sinh ra được trắng trẻo hoặc các bậc cha mẹ thường sẽ rất tự hào nếu con có làn da trắng. Tuy nhiên theo các bác sĩ, làn da trắng không phải lúc nào cũng tốt.

Con gái da trắng hơn trứng gà, cha mẹ tưởng do khi mang bầu ăn nhiều thực phẩm trắng da

Cô bé Zeng Xiaomei, 2 tuổi ở Đài Trung, Đài Loan có cơ thể phát triển bình thường, đôi mắt sáng và khuôn mặt trắng trẻo khác thường khiến ai nhìn cũng muốn cưng nựng, véo má. Cha mẹ bé cũng rất tự hào khi con gái có làn da trắng sáng đến vậy. Tuy nhiên gia đình cũng nhận thấy con gái tuy có vẻ ngoài đáng yêu nhưng lại kém khỏe mạnh hơn so với các bạn học cùng lớp mẫu giáo.

Zeng Xiaomei thường xuyên chán ăn, người lúc nào cũng ốm yếu, mệt mỏi. Vì vậy, gia đình quyết định đưa con đi khám.

Con gái có làn da trắng khác thường hóa ra do thiếu máu, thiếu sắt. (Ảnh minh họa)

Con gái có làn da trắng khác thường hóa ra do thiếu máu, thiếu sắt. (Ảnh minh họa)

Bác sĩ tư vấn Peng Qingtian thuộc Khoa Nhi của Bệnh viện trực thuộc Đại học Châu Á, Đài Loan cho biết, ban đầu cha mẹ của bé gái nghĩ rằng làn da trắng của con là do người mẹ khi mang bầu đã uống sữa đậu nành, bột ngọc trai và các thực phẩm màu trắng khác nên con sinh ra mới có làn da trắng sứ như vậy.

Nhưng họ không ngờ rằng làn da trắng nhợt nhạt đó là do Zeng Xiaomei bị thiếu máu do thiếu sắt. Phải đến khi thấy con xuất hiện các triệu chứng như chán ăn, giảm hoạt động thì phụ huynh mới biết có điều gì đó không ổn và đưa đi khám. Cô bé sau đó đã được bác sĩ kê thuốc bổ sung sắt trong nửa năm, cuối cùng sức khỏe đã trở lại bình thường.

7 triệu chứng thiếu máu do thiếu sắt thường gặp

Sắt là nguyên tố cần thiết để tạo ra huyết sắc tố, đồng thời là chất trung gian của nhiều phản ứng enzyme của hệ thống nội mô. Thiếu máu do thiếu sắt thường không có triệu chứng rõ ràng nên dễ bị bỏ qua, tuy nhiên khi mức độ thiếu máu ngày càng nặng sẽ xuất hiện các triệu chứng như dễ mệt mỏi, chán ăn, sắc mặt nhợt nhạt, da vàng, dễ cáu gắt, tim đập nhanh, hội chứng pica (hội chứng ăn các đồ vật không phải thực phẩm), ảnh hưởng đến sự phát triển nhận thức, học tập. Bác sĩ Peng Qingtian cho biết từng có trường hợp cha mẹ tưởng con bị chậm phát triển trí tuệ nhưng thực tế do thiếu máu. 

Trẻ thiếu máu do thiếu sắt thường có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, không tập trung, lười vận động... (Ảnh minh họa)

Trẻ thiếu máu do thiếu sắt thường có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, không tập trung, lười vận động... (Ảnh minh họa)

Bác sĩ cũng cho biết có rất nhiều loại thiếu máu và nguyên nhân cũng khác nhau, thiếu máu do thiếu sắt là loại thiếu máu phổ biến nhất. Các nguyên nhân phổ biến gây thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bao gồm thai không đủ số tuần, chế độ ăn uống không đảm bảo hoặc các yếu tố đường tiêu hóa. Tình trạng của Zeng Xiaomei ở trên là do yếu tố chế độ ăn uống không đủ sắt, không cho ăn dặm kịp thời sau 6 tháng, uống quá nhiều sữa sau 1 tuổi.

Bác sĩ Peng Qingtian cũng cảnh báo có hai thời kỳ trẻ dễ bị thiếu máu, thứ nhất là giai đoạn trẻ tăng trưởng nhanh chóng nhưng chế độ ăn uống không đúng cách, không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của trẻ. Thứ hai là giai đoạn trẻ bước vào tuổi dậy thì, điều này thường xảy ra với các bé gái do mỗi tháng sẽ bị mất máu vì kinh nguyệt. Vì vậy, những thời điểm này cha mẹ cần chú ý bổ sung dinh dưỡng cho con đầy đủ. 

Làm thế nào để đảm bảo trẻ không thiếu máu, thiếu sắt?

Với trường hợp trẻ em được chẩn đoán thiếu máu do thiếu sắt không thể thuyên giảm bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống, cần bổ sung sắt qua đường uống và uống thêm nước trái cây có thể thúc đẩy quá trình hấp thụ sắt, nhưng tránh dùng chung với sữa, có thể uống trước bữa ăn để tránh giảm hấp thu sắt.

Thông thường một đợt điều trị kéo dài khoảng nửa năm, 3 tháng đầu chữa thiếu máu có thể chưa thấy hiệu quả nhưng 3 tháng cuối cơ thể đã có thể đủ lượng sắt cần thiết.

Bổ sung thực phẩm giàu vitamin C để tăng cường khả năng hấp thụ sắt cho trẻ. (Ảnh minh họa)

Bổ sung thực phẩm giàu vitamin C để tăng cường khả năng hấp thụ sắt cho trẻ. (Ảnh minh họa)

Với trẻ bú sữa mẹ cần bổ sung sắt trong ít nhất 4 tháng. Sau 6 tháng, nhu cầu về sắt của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất lớn, ngoài bổ sung thực phẩm giàu sắt cần bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C để tăng khả năng hấp thụ sắt. Trẻ từ 1 đến 5 tuổi uống hàng ngày, lượng sữa không quá 600ml. 

Do thiếu máu thiếu sắt không dễ phát hiện sớm nên cha mẹ nên cho trẻ đi khám sàng lọc thiếu máu thiếu sắt khi trẻ được một tuổi, nếu trẻ sinh non thì nên thực hiện khi trẻ được 4 tháng. Sàng lọc để phát hiện sớm và điều trị sớm.

6 loại quả giàu chất sắt tốt chẳng kém thịt bò, người thiếu máu càng ăn càng lợi
Ngoài thịt bò, một số loại thực phẩm khác như trái cây cũng có thể giúp bổ sung sắt cho cơ thể. Người bị thiếu máu, phụ nữ có thể bổ sung hàng ngày.

Sống khỏe

HOÀNG DƯƠNG (Dịch từ TVBS)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh thiếu máu