Người phụ nữ ở Sài Gòn chiến thắng ung thư vú nhờ giữ một thói quen suốt 12 năm

DIỆU THUẦN - Ngày 14/01/2024 18:41 PM (GMT+7)

Hai lần phải chiến đấu với ung thư, bà Bình luôn lạc quan, hay nói vui: “Giờ tôi như người chuyển giới, nhưng vậy cũng đỡ”.

Khóc nức nở khi biết mình mắc ung thư

Bà Hoàng Thị Bình (61 tuổi, ở TP.HCM), làm nghề nuôi dạy trẻ, không lập gia đình. Năm 2011, ngực phải của bà có khối u nhỏ, sờ thấy di động. Thời điểm đó, bà Bình có người bạn thân mắc bệnh ung thư vú giai đoạn muộn, đã di căn nặng khiến bà rất lo lắng về dấu hiệu ở ngực của mình.

Đi khám, làm siêu âm, chụp nhũ ảnh và sinh thiết, bà Bình nhận kết quả bị ung thư vú giai đoạn 2. “Tôi khám xong, bước ra khỏi cổng bệnh viện cũng là lúc chiều tối. Lúc đó, tôi thấy lòng tắt lịm, tối tăm và chơi vơi, không biết con đường phía trước mình sẽ thế nào”, bà Bình nhớ lại tâm trạng của mình lúc đó.

Theo các bác sĩ, tinh thần lạc quan, vui vẻ là yếu tố rất tốt giúp người mắc ung thư có thể chiến thắng được bệnh. Ảnh minh họa.

Theo các bác sĩ, tinh thần lạc quan, vui vẻ là yếu tố rất tốt giúp người mắc ung thư có thể chiến thắng được bệnh. Ảnh minh họa.

Kìm nén đến khi về nhà, được gặp người thân, bà mới khóc nức lên trong vô vọng. Được cả gia đình động viên và nghĩ đến hình ảnh người bạn đã mất vì ung thư vú do chậm trễ điều trị, bà Bình quyết tâm phải chiến thắng căn bệnh này. Vì vậy, bà luôn giữ tinh thần lạc quan, cố gắng ăn uống đủ chất, hướng đến những điều tích cực.

Ths.BS Nguyễn Đỗ Thùy Giang, trưởng khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (TP.HCM) là người điều trị cho bà Bình cho biết, nữ bệnh nhân lúc đó được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ khối u và đã thành công. Sau đó, bà Bình được điều trị bằng xạ trị để có thể loại bỏ hoàn toàn tế bào ung thư.

Thử thách nhất trong thời gian điều trị ung thư vú lần này của bà Bình là bị rong kinh, nhưng bà nghĩ do mình bị tiền mãn kinh hay do tác dụng phụ của thuốc nên không đi khám. Cho đến khi, máu vùng kín chảy ồ ạt, bà mới được người nhà đưa đi cấp cứu.

Ở bệnh viện, bà được chẩn đoán bị dày nội mạc tử cung, phải phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ phần phụ, tử cung và buồng trứng. Dù phải một lúc chiến đấu với hai căn bệnh nhưng bà Bình lúc nào cũng giữ tình thần lạc quan. Nhờ vậy và cơ thể đáp ứng tốt với phương pháp điều trị, bệnh của bà dần cải thiện.

Bác sĩ Giang đang phẫu thuật cho bà Bình. Ảnh: BVCC.

Bác sĩ Giang đang phẫu thuật cho bà Bình. Ảnh: BVCC.

Lần thứ 2 chiến thắng ung thư

Sau khi thoát được “án tử” từ căn bệnh ung thư, bà Bình vẫn giữ thói quen sống lạc quan, vui vẻ, ăn uống kỹ nhưng đầy đủ chất. Điều đặc biệt, bà đã mang tinh thần chiến thắng bệnh tật của mình truyền động lực cho các bệnh nhân khác đang ngày đêm chống chọi với căn bệnh quái ác.

Những tưởng như vậy, bà sẽ có cuộc sống bình yên, hạnh phúc hơn ở tuổi xế chiều. Tuy nhiên, 7 năm sau, ngực trái của bà xuất hiện dấu hiệu như bên ngực phải trước đây, được bác sĩ Giang chẩn đoán là u ác, phải hóa trị và xạ trị. Bác sĩ Giang cảnh báo, lần này do bà bị tiểu đường nên việc điều trị sẽ khó khăn hơn lần trước và sẽ phải phẫu thuật cắt bỏ vòng 1.  

Dù vậy, bà Bình cho rằng, sống một ngày thì cũng phải vui, vì vậy, bà dần chấp nhận khiếm khuyết trên cơ thể mình và yêu bản thân hơn. “Một lần đi khám, tôi gặp nữ bệnh nhân không tay chân ngồi trên xe lăn, phải cắt bỏ một bên ngực do mắc ung thư vú. Dù cơ thể khiếm khuyết nhiều bộ phận, chị vẫn luôn nở nụ cười lạc quan. So với cô ấy, những khiếm khuyết trên cơ thể của tôi không là gì”, bà Bình kể, giọng lạc quan.

Bác sĩ Giang cho biết, hiện bệnh của bà Bình đã kiểm soát ổn định, không cần phải uống thuốc nội tiết, chỉ cần tái khám định kỳ mỗi năm. Điều đặc biệt, mái tóc của bà bị rụng sau thời gian dài điều trị ung thư cũng đã mọc trở lại.

Bác sĩ Giang đang khám cho một nữ bệnh nhân. Ảnh: BSCC.

Bác sĩ Giang đang khám cho một nữ bệnh nhân. Ảnh: BSCC.

Sau 2 lần chiến thắng ung thư, giờ đây bà Bình đã trở thành người truyền cảm ứng cho những bệnh nhân đang ngày đêm chiến đấu với căn bệnh này. Bà vẫn luôn nói vui với mọi người: “Tôi bây giờ giống như người chuyển giới, nhưng vậy cũng đỡ, mỗi tháng không tốn tiền mua băng vệ sinh”.

Theo Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM), ung thư vú là ung thư phát triển trong các tế bào vú. Thông thường, ung thư hình thành trong các tiểu thùy hoặc các ống tuyến của vú. Nó cũng có thể xảy ra trong mô mỡ hoặc mô liên kết dạng sợi trong vú.

Các tế bào ung thư thường xâm lấn các mô vú khỏe mạnh và có thể di chuyển đến các hạch bạch huyết dưới cánh tay. Các hạch bạch huyết là một con đường chính giúp các tế bào ung thư di chuyển đến các bộ phận khác của cơ thể.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ung thư vú trở thành bệnh ung thư phổ biến nhất trên toàn cầu vào năm 2021, chiếm 12% tổng số ca ung thư mới hàng năm trên toàn thế giới.Theo cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế, trên toàn thế giới mỗi năm có khoảng 1,6 triệu trường hợp được chẩn đoán, và hơn 500.000 phụ nữ chết vì căn bệnh này. Điều này có nghĩa là cứ 20 giây có 1 phụ nữ được chẩn đoán ung thư vú và cứ mỗi 5 phút có 3 phụ nữ chết vì căn bệnh này.

Nhiều năm làm trong ngành giải phẫu tế bào, Ths.BS Huỳnh Giang Châu, Trưởng khoa Giải phẫu bệnh - Tế bào, Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM), nhận thấy, phần lớn chị em mắc ung thư vú ở tuổi mãn kinh và những phụ nữ không sinh con hoặc ít sinh con. Các bác sĩ tại Bệnh viện K (Hà Nội) cũng cho biết phụ nữ không sinh con như trường hợp của bà Bình có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn người sinh con.

Bác sĩ Châu giải thích, ung thư vú ảnh hưởng bởi nội tiết tố tác động lên tuyến vú. Với những người phụ nữ nhiều lần mang thai, sinh con, cho con bú thì thời gian nội tiết tố tác động lên biểu mô vú nhiều hơn, nên có nhiều yếu tố tốt bảo vệ khỏi nguy cơ mắc ung thư vú. Còn những chị em không sinh con hoặc ít sinh con, thời gian nội tiết tác động lên biểu mô vú ít hơn, do đó các yếu tố bảo vệ an toàn cho tuyến vú ít hơn, từ đó có nguy cơ mắc ung thư cao hơn. 

Bác sĩ Châu cũng cho rằng, để khỏi ung thư vú người bệnh cần được phát hiện, can thiệp sớm và yếu tố giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ cũng là quyết định rất lớn. Vì vậy, các bác sĩ luôn khuyến khích người bệnh cần phải luôn làm tốt điều này trong suốt thời gian điều trị.

* Tên nữ bệnh nhân đã thay đổi.

Dâm phụ đẹp nhất màn ảnh có ngực 1 mét điêu đứng sự nghiệp vì ung thư vú 17 năm trước giờ ra sao?
Từng được mệnh danh là nàng Phan Kim Liên đẹp nhất màn ảnh và sở hữu đôi gò bổng đào khiến vạn người mê nhưng tất cả đã tiêu tan khi nữ diễn viên Dương Tư Mẫn không may mắc bệnh ung thư vú.

Ung thư vú

Theo DIỆU THUẦN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Ung thư vú