Vitamin B12 đóng vai trò quan trọng trong cơ thể, thiếu vitamin này có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe nên cần được cung cấp đầy đủ.
Vitamin B12 là một loại vitamin thiết yếu, cơ thể cần vitamin B12 để hoạt động bình thường. Vitamin B12 có thể được tìm thấy trong các loại thực phẩm như thịt, cá và các sản phẩm từ sữa.
Vitamin B12 được sử dụng phổ biến nhất cho trường hợp thiếu vitamin B12, một tình trạng trong đó nồng độ vitamin B12 trong máu quá thấp, ngộ độc xyanua và mức độ homocysteine cao trong máu (hyperhomocysteinemia).
Vitamin B12 có thể được tìm thấy trong các loại thực phẩm.
B12 có tác dụng gì?
Giúp hình thành hồng cầu và phòng ngừa thiếu máu
Vitamin B12 tham gia vào quá trình hình thành hồng cầu. Khi lượng vitamin B12 quá thấp, quá trình sản xuất hồng cầu bị thay đổi, gây ra bệnh thiếu máu.
Có thể ngăn ngừa các khuyết tật bẩm sinh
Cơ thể được cung cấp đủ vitamin B12 sẽ giúp cho bà bầu có một thai kỳ khỏe mạnh. Chúng rất quan trọng trong việc ngăn ngừa dị tật bẩm sinh não và tủy sống.
Có thể hỗ trợ sức khỏe xương và ngăn ngừa loãng xương
Vitamin B12 có thể đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe xương của bạn. Nồng độ vitamin này trong máu thấp có liên quan đến việc tăng nguy cơ loãng xương.
Có thể giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng
Duy trì đủ lượng vitamin B12 làm giảm mức homocysteine trong máu. Điều này có thể giúp ngăn ngừa sự phát triển của bệnh thoái hóa điểm vàng do tuổi tác.
Có thể cải thiện tâm trạng và các triệu chứng của bệnh trầm cảm
Vitamin B12 cần thiết cho việc sản xuất serotonin, một chất hóa học chịu trách nhiệm điều chỉnh tâm trạng. Bổ sung vitamin B12 có thể giúp cải thiện tâm trạng ở những người bị thiếu hụt.
Có thể mang lại lợi ích cho não
Vitamin B12 có thể giúp ngăn ngừa teo não và mất trí nhớ. Cần nghiên cứu thêm để kết luận liệu bổ sung vitamin này có thể cải thiện trí nhớ ở những người không bị thiếu hụt hay không.
Có thể cải thiện sức khỏe tim mạch
Vitamin B12 có thể làm giảm homocysteine trong máu, một loại axit amin có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Tuy nhiên, nghiên cứu hiện không ủng hộ tuyên bố rằng vitamin B12 làm giảm nguy cơ này.
Hỗ trợ tóc, da và móng khỏe mạnh
Cơ thể có đủ vitamin B12 rất quan trọng đối với tóc, da và móng tay của bạn. Tuy nhiên, bổ sung thêm vitamin này có thể sẽ không cải thiện thêm nếu bạn đã được cung cấp đủ vitamin B12.
Thiếu vitamin B12 gây bệnh gì?
Nếu thiếu vitamin B12, bạn có thể bị thiếu máu. Sự thiếu hụt nhẹ có thể không gây ra triệu chứng. Nhưng nếu không được điều trị, nó có thể dẫn đến các triệu chứng như:
- Suy nhược, mệt mỏi hoặc choáng váng
- Tim đập nhanh và khó thở
- Da nhợt nhạt
- Táo bón, tiêu chảy, chán ăn hoặc đầy hơi
- Các vấn đề về thần kinh như tê hoặc ngứa ran, yếu cơ và khó đi lại
- Mất thị lực
- Các vấn đề về tâm thần như trầm cảm, mất trí nhớ hoặc thay đổi hành vi
Ai có nguy cơ thiếu vitamin B12?
Thiếu vitamin B12 có thể xảy ra do 2 nguyên nhân: Một là chế độ ăn uống của bạn không cung cấp đủ vitamin B12 hoặc cơ thể không thể hấp thụ đầy đủ chất này từ thực phẩm bạn ăn.
Những người có nguy cơ thiếu vitamin B12 bao gồm:
- Người cao tuổi
- Những người bị rối loạn tiêu hóa, chẳng hạn như bệnh Crohn hoặc bệnh celiac
- Những người đã phẫu thuật đường tiêu hóa, chẳng hạn như phẫu thuật cắt ruột
- Những người có chế độ ăn thuần chay nghiêm ngặt
- Những người dùng metformin để kiểm soát lượng đường trong máu
- Những người dùng thuốc ức chế bơm proton cho chứng ợ nóng mãn tính
- Ở nhiều người lớn tuổi, việc tiết axit clohydric trong dạ dày bị giảm, gây giảm hấp thu vitamin B12.
Nếu cơ thể bạn gặp khó khăn trong việc hấp thụ vitamin B12, bác sĩ có thể khuyên bạn nên tiêm bắp B12 để tăng lượng vitamin này.
Vitamin B12 nên uống lúc nào?
Các vitamin nhóm B là nhóm những vitamin có thể hòa tan trong nước, cần thiết cho quá trình trao đổi chất của cơ thể. Đặc biệt là quá trình chuyển hóa carbohydrate thành đường và chuyển hóa chất béo. Có 8 loại vitamin B và mỗi loại đều có vai trò nhất định trong cơ thể. Khi uống vitamin nhóm B nên uống vào buổi sáng, trước bữa ăn… là tốt nhất.
Lượng khuyến nghị vitamin B12 thay đổi theo độ tuổi:
- Trẻ sơ sinh đến 6 tháng tuổi: 0,4 mcg (microgam)
- Trẻ sơ sinh 7-12 tháng tuổi: 0,5 mcg
- Trẻ em 1-3 tuổi: 0,9 mcg
- Trẻ em 4-8 tuổi: 1,2 mcg
- Trẻ em 9-13 tuổi: 1,8 mcg
- Thanh thiếu niên 14-18 tuổi: 2,4 mcg (2,6 mcg mỗi ngày nếu mang thai và 2,8 mcg mỗi ngày nếu cho con bú)
- Người lớn: 2,4 mcg (2,6 mcg mỗi ngày nếu mang thai và 2,8 mcg mỗi ngày nếu cho con bú)
Nguồn tham khảo - 9 Health Benefits of Vitamin B12, Based on Science - Healthline - Xuất bản ngày 14/6/2018 - Vitamin B12: What to Know - WebMD - Xuất bản ngày 3/5/2021 |