Phát hiện các bất thường ở ngực sau khi cai sữa cho con trai, chị Như nghĩ là do lượng sữa còn lại vón cục, nửa năm sau đi khám mới phát hiện thực tế choáng váng.
Từ chối điều trị ung thư vú vì sợ mặc áo dài không đẹp
Theo Bệnh viện K, ung thư vú là tình trạng bệnh lý do tế bào tuyến vú phát triển không kiểm soát được, tạo ra các khối u ác tính, có khả năng xâm lấn xung quanh và di căn xa. Đây là bệnh thường gặp, có tỷ lệ tử vong cao ở nữ. Một số nghiên cứu đã chỉ ra, người mắc ung thư vú sẽ có nguy cơ cao mắc ung thư tuyến giáp và ngược lại.
Nguyên nhân chính xác của mối liên hệ trên hiện chưa chắc chắn. Nhưng các nhà nghiên cứu nhận thấy, thông thường, iod (hormone thyroxine của tuyến giáp) được coi là an toàn cho cơ thể, có thể gây ra bệnh ung thư thứ hai ở một số ít người khi bức xạ được sử dụng để điều trị một số dạng ung thư vú hoặc ung thư tuyến giáp. Hay một số đột biến di truyền nhất định như đột biến dòng mầm có thể liên kết hai dạng ung thư. Các yếu tố về lối sống như tiếp xúc với bức xạ, chế độ ăn uống nghèo nàn và lười vận động, cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc cả hai bệnh ung thư.
Chị Như đang được bác sĩ tư vấn trước khi làm phẫu thuật cắt khối u. Ảnh: BVCC.
Chị Hoàng Quỳnh Như (43 tuổi), là giáo viên ở Bình Thuận. Tháng 9/2023, chị phát hiện ngực có u to bằng hạt bắp sau khi cai sữa cho con trai 2 tuổi. U mỗi ngày một lớn hơn, chạm vào thấy cứng và đau buốt. Tuy nhiên, nữ giáo viên chỉ nghĩ, đây là do sữa vón cục nên không đi khám.
2 tháng sau, ngực trái của chị xuất hiện những vết bầm tím, gây đau. Thời điểm này, chồng bị tai nạn gãy chân, chị phải dành thời gian chăm chồng, chăm con và lo cho công việc nên quên việc bản thân phải đi khám.
Cho đến tháng 4 vừa qua, chị mới đến một bệnh viện ở TP.HCM khám. Từ các kết quả xét nghiệm, chụp chiếu, bác sĩ xác định, chị bị ung thư vú dạng không đặc biệt, độ 2. “Tôi được bác sĩ tư vấn đoạn nhũ không tái tạo, đồng thời nạo hạch nách”, chị Như chia sẻ và cho biết từ chối làm phẫu thuật tại bệnh viện này.
“Nếu chấp nhận phương pháp điều trị của bác sĩ, tôi sẽ bị mất 1 bên ngực. Là giáo viên, tôi phải thường xuyên mặc áo dài đi dạy, tham gia các sự kiện. Khi một bên ngực bị mất, tôi sẽ khó mặc áo dài. Phần khác, sau phẫu thuật nạo hạch nách, tôi sẽ bị phù, đau, yếu tay… khó viết lên bảng khi đi dạy, khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày”, cô giáo Như giải thích lý do từ chối phẫu thuật của mình.
Đứng không vững khi nghe tin mắc 2 ung thư cùng lúc
Một thời gian sau, chị Như gặp đi khám lại. Xem hồ sơ bệnh án của chị, TS.BS Huỳnh Bá Tấn, khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM nhận thấy, chị Như có lớp mỡ vùng bụng dưới tương đối dày, cơ thành bụng bị nhão sau 3 lần sinh con. Chị cũng được tư vấn đoạn nhũ, nạo hạch nách, nhưng sẽ được sử dụng mô da và mỡ ở bụng dưới (vạt da cơ thẳng bụng) để tái tạo tuyến vú mới, kết hợp tạo hình thành bụng để cải thiện vòng hai phình to phải mang nịt bụng hàng ngày.
Chị Như chết lặng khi biết mình mắc 2 bệnh ung thư cùng lúc. Ảnh minh họa.
Trước khi phẫu thuật, chị Như được thực hiện một số xét nghiệm kiểm tra sức khỏe, trong đó có siêu âm tuyến giáp thì phát hiện mắc thêm ung thư tuyến giáp thùy phải. Cùng một lúc phát hiện 2 bệnh ung thư, chị Như chết lặng, cố vịn chặt tay vào thành giường bệnh để nghe bác sĩ tư vấn. Sau đó, chị thầm nhủ: “Vẫn còn may vì được phát hiện để điều trị kịp thời. Mình phải vượt qua để sống, làm việc, kiếm thu nhập nuôi con và chăm lo cho chồng”.
Bác sĩ Tấn cho biết, chị Như sẽ phải cắt thùy phải tuyến giáp ngay trong cuộc mổ ung thư vú. “Đây là ca phẫu thuật 5 trong 1, vừa điều trị 2 bệnh ung thư, sinh thiết hạch gác cửa, vừa tái tạo ngực và tạo hình thành bụng cho người bệnh”, bác sĩ Tấn đánh giá.
Ca phẫu thuật được thực hiện trong 8 giờ và thành công. Một điều vui đến với chị Như là kết quả giải phẫu hạch gác cửa và mô sau núm vú không có tế bào ung thư nên chị không cần nạo nách và đảm bảo an toàn khi bảo tồn núm vú. “Chúng tôi chỉnh sửa lại phần mô chuyển từ bụng lên để tạo lại tuyến vú trái cho bệnh nhân”, bác sĩ Tấn chia sẻ.
Bác sĩ Tấn cho biết, kết quả giải phẫu bệnh sau mổ ghi nhận chị Như bị ung thư vú giai đoạn 0 và ung thứ tuyến giáp giai đoạn 1. Đối với ung thư vú, chị sẽ phải xạ trị để hạn chế u tái phát. Còn với ung thư tuyến giáp thì không cần điều trị thêm với i-ốt phóng xạ.
Tỉnh lại sau ca phẫu thuật, chị Như nói: “Đời người khó tránh khỏi bệnh. Tôi may mắn khi phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, có cơ hội điều trị khỏi, trở lại làm giáo viên, nuôi con, chăm sóc chồng”. 3 ngày sau phẫu thuật, chị được xuất viện, theo dõi vết thương tại nhà và cập nhật thông tin mỗi ngày với bác sĩ.
Các bác sĩ Bệnh viện K phẫu thuật cho bệnh nhân mắc ung thư vú. Ảnh: BVCC.
Theo Bệnh viện K, ung thư tuyến vú sinh ra do các đột biến gen làm tế bào sinh sản không kiểm soát được. Có nhiều lý do mà cơ thể có các đột biến gen, trong đó khoảng 5-7% trường hợp có nguyên nhân di truyền từ đột biến gen BRCA1/2, còn lại hơn 90% trường hợp chịu tác động của các yếu tố môi trường, lối sống, khả năng miễn dịch của cơ thể.
Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp ung thư vú đều không xác định được nguyên nhân cụ thể. Những yếu tố về vật lý, phóng xạ, hóa chất, suy giảm miễn dịch, lối sống… được gọi là các “yếu tố nguy cơ” gây ung thư vú. Có nghĩa là việc tiếp xúc với các yếu tố đó không nhất thiết là nguyên nhân trực tiếp gây ra ung thư vú, nhưng sẽ làm nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn so với không tiếp xúc. Hơn nữa, tác động của các yếu tố nguy cơ này có tính chất cộng gộp, nghĩa là càng tiếp xúc với nhiều yếu tố nguy cơ và trong thời gian càng dài thì nguy cơ mắc ung thư vú càng cao.
* Tên người bệnh đã thay đổi.