Phát hiện “núi đôi” lạ khi tắm, cô gái độc thân Hà Nội không ngờ phải cắt một bên ngực

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 28/02/2022 10:45 AM (GMT+7)

Khi tắm, sờ thấy một bên bầu ngực mình có cục u, chị D quyết định đi khám và nhận kết quả mắc ung thư vú. Chưa lập gia đình, chưa sinh con, người phụ nữ 33 tuổi vô cùng hoang mang.

PGS.TS.Bs.Phạm Cẩm Phương

GĐ Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội

Xem tất cả bài viết của chuyên gia

BSCKII Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng khoa Phẫu thuật lồng ngực - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, các bác sĩ vừa tiếp nhận, điều trị cho một phụ nữ tên P.D (33 tuổi, ở Hà Nội), chưa lập gia đình, mắc ung thư vú. Nữ bệnh nhân tự phát hiện ra khối u và đi khám thì được chẩn đoán mắc ung thư.

Theo chia sẻ của chị D, bình thường vùng ngực của chị không có bất cứ dấu hiệu đau, tức hay bất thường gì. Sau đợt nghỉ Tết Dương lịch, trong một lần tắm, chị sờ vú và tình cờ phát hiện khối u bên phải, ấn vào không đau, không có dịch chảy ra ở núm vú.

Lo lắng bị ung thư, chị D đi khám tại Bệnh viện Bạch Mai. Khai thác bệnh sử cho thấy, chị D chưa từng mắc bệnh lý tuyến vú, chưa kết hôn và chưa sinh con, gia đình cũng không có ai mắc ung thư vú.

Hình ảnh siêu âm, chụp MRI vú của chị D tại Bệnh viện Bạch Mai.

Hình ảnh siêu âm, chụp MRI vú của chị D tại Bệnh viện Bạch Mai.

Bác sĩ Anh Tuấn cho biết, quá trình khám cho thấy vú phải của bệnh nhân có khối u chắc, còn di động so với thành ngực chưa xâm lấn, màu sắc da vùng khối u không biến đổi. Sau đó, các bác sĩ đã thực hiện chụp chiếu, siêu âm, chụp cộng hưởng, rồi sinh thiết giải phẫu bệnh khẳng định, chị D mắc ung thư biểu mô xâm nhập. Vú trái chị có u xơ lành tính.

Nhận được kết quả này, chị D vô cùng hoang mang vì bản thân tuổi còn trẻ, chế độ sinh hoạt lành mạnh, gia đình không ai mắc bệnh. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định thực hiện phẫu thuật cho chị.

“Nữ bệnh nhân 33 tuổi được cắt tuyến vú bảo tồn quầng núm vú, có sinh thiết tức thì tổ chức sau núm vú để đảm bảo không có tế bào ung thư ở diện cắt núm vú. Bệnh nhân cũng được tạo hình lại bầu ngực bên phải bằng vạt da cơ lưng. Khi ổn định sau cuộc phẫu thuật, bệnh nhân sẽ tiếp tục được điều trị nội khoa như hóa chất, nội tiết…”, bác sĩ Anh Tuấn cho hay.

Các chuyên gia khuyến cáo, chị em khi có biểu hiện bất thường hoặc sau 40 tuổi nên đi khám để phát hiện sớm ung thư vú.

Các chuyên gia khuyến cáo, chị em khi có biểu hiện bất thường hoặc sau 40 tuổi nên đi khám để phát hiện sớm ung thư vú.

Ung thư vú là một trong những bệnh ung thư có tỷ lệ mắc cao hàng đầu ở nữ giới (cùng với ung thư cổ tử cung), do vậy việc chị em khám sàng lọc định kỳ để phát hiện và điều trị sớm là rất quan trọng.

PGS.TS.BS Phạm Cẩm Phương - GĐ Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, hiện nay nhiều người lo ngại dịch bệnh nên không đi khám khi thấy dấu hiệu bất thường là rất nguy hiểm. Điều này sẽ tước đi cơ hội điều trị, thậm chí là cơ hội sống của chính người bệnh. Do vậy, bất cứ khi nào phát hiện dấu hiệu bất thường cần đi khám sớm, với phụ nữ trên 40 tuổi cần tầm soát ung thư định kỳ hàng năm 1-2 lần.

“Tại trung tâm chúng tôi đã tiếp nhận trường hợp tự phát hiện khối u, đi khám được chẩn đoán mắc bệnh ung thư đã di căn, giai đoạn 3a từ tháng 6/2021. Tuy nhiên, do e ngại dịch bệnh nên bệnh nhân trì hoãn không đi khám, điều trị. Chỉ nửa năm sau, khi phát hiện vùng nách sưng to, đau nhiều vùng vú, đau cột sống, bệnh nhân mới tới BV khám lại. Kết quả, bệnh nhân bị ung thư và đã tiến triển sang giai đoạn 4 (giai đoạn cuối), di căn hạch nách và xương. Giai đoạn bệnh này bệnh nhân được điều trị bằng hóa trị toàn thân trước và đánh giá sau các liệu trình để quyết định phương pháp điều trị tiếp theo”, PGS Phương chia sẻ.

Hướng dẫn các bước tự khám vú để phát hiện bất thường:

Bước 1: Đầu tiên hãy đứng thẳng người, chống hai tay vào hông và nhìn vào ngực của mình trong gương. Sau đó kiểm tra kích thước, hình dạng và màu sắc bầu ngực xem có những chỗ sưng nào bất thường.

Bước 2: Tiếp tục kiểm tra xem có nếp nhăn hoặc phồng da trên ngực hay không, có núm vú tụt ngược vào trong hay có hiện tượng đau nhức, nổi mẩn hoặc sưng bất thường tại khu vực bầu ngực hay không.

Nếu thấy bất kỳ dấu hiệu nào như trên thì nên đi khám để có những hướng kiểm tra và chẩn đoán chính xác hơn.

Bước 3: Hãy kiểm tra xem có dịch rỉ ra từ núm vú hay không, bao gồm cả nước, sữa, dịch vàng và máu.

Bước 4: Nằm ngửa trên giường, kê 1 chiếc gối mỏng hay 1 chiếc chăn vào vai trái. Đưa tay trái ra sau gáy, dùng tay phải kiểm tra vú trái.

Tiếp đến, day tròn tay phải trên ngực trái để cảm nhận tất cả các mô từ phía trước đến phía sau ngực. Ấn nhẹ nhàng nhưng dứt khoát để tìm kiếm khối u hay mảng dày hoặc bất cứ khác thường nào.

Dùng ngón tay cái và ngón trỏ bóp nhẹ đầu vú xem có rỉ dịch hay không. Dùng ngón tay để tìm các u hạch dưới nách. Cứ tiếp tục kiểm tra các phần còn lại trên ngực và làm tương tự với phần ngực bên phải.

Bước 5: Cuối cùng, hãy kiểm tra ngực trong khi tắm bởi cách dễ nhất để cảm nhận rõ rệt về ngực là khi làn da của mình bị ướt. Bước này thực hiện tương tự như mô tả ở bước 4.

Bác sĩ Quản Thị Mơ - Bệnh viện K Trung ương

4 loại bệnh tưởng nhỏ, nhiều người chủ quan không điều trị sớm lâu ngày dễ thành ung thư
Mặc dù trình độ y tế hiện đại không ngừng được nâng cao nhưng một khi mắc phải căn bệnh hiểm nghèo như ung thư thì vẫn rất khó chữa, thậm chí thời...

Bệnh ung thư

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Ung thư vú