Ung thư dạ dày là căn bệnh rất thường gặp và có xu hướng ngày càng trẻ hóa, tuy nhiên nếu chủ động trong việc phòng bệnh và tầm soát sớm thì hoàn toàn có thể kiểm soát được.
GĐ Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội
Hai anh em còn rất trẻ đều mắc ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày là căn bệnh ung thư đường tiêu hóa rất thường gặp ở Việt Nam. Hiện nay, rất nhiều trường hợp phát hiện bệnh khi tuổi còn rất trẻ nhưng do sự chủ quan, đi khám muộn nên quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn.
PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, cách đây không lâu trung tâm tiếp nhận một nữ bệnh nhân mới 29 tuổi, sau khi thấy sút cân, đau thượng vị và buồn nôn kéo dài đã đi khám và phát hiện ung thư giai đoạn muộn.
Nữ bệnh nhân này chia sẻ, trước khi đi khám, cô thấy một số biểu hiện đau thượng vị đã lâu nhưng chủ quan nghĩ chỉ bệnh vặt, thậm chí khi bị buồn nôn nữ bệnh nhân này vẫn cho rằng, đó là do ăn đồ không hợp.
Chỉ khi thấy bị sụt cân nhanh, cô gái trẻ mới tới bệnh viện thăm khám. Tại đây, qua kết quả nội soi phát hiện dạ dày có khối u sùi loét, thâm nhiễm vùng hang vị dạ dày, các bác sĩ nghi ngờ bị ung thư. Sau đó, bệnh nhân được cho làm sinh thiết, kết quả khẳng định bệnh nhân mắc ung thư biểu mô tế bào nhẫn của dạ dày.
Bệnh nhân được chụp chiếu đánh giá sâu hơn thì được phát hiện tổn thương di căn gan, di căn phúc mạc đa ổ ,tức là đã ở giai đoạn muộn. Nhận kết quả này, cô gái 29 tuổi rất bàng hoàng vì còn quá trẻ, tương lai coi như chấm dứt. Thực tế, sau một thời gian ngắn điều trị, bệnh nhân đã tử vong.
Nhiều người trẻ do chủ quan nên không đi khám sớm khi có biểu hiện bệnh, dẫn tới điều trị muộn. (Ảnh minh họa)
PGS Cẩm Phương cho biết, sau khi thấy em gái (nữ bệnh nhân 29 tuổi trên) mắc ung thư, anh trai cô đi khám và cũng được phát hiện mắc ung thư dạ dày. May mắn hơn người em, nam bệnh nhân này phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm nên kết quả điều trị khả quan hơn. Hiện nam bệnh nhân vẫn điều trị và đi tái khám định kì theo lịch hẹn của bác sĩ.
PGS Phương cho biết, ngoài yếu tố di truyền có tỷ lệ rất nhỏ, ung thư dạ dày có một số yếu tố nguy cơ cao mắc bệnh như bệnh nhân bị teo niêm mạc dạ dày, Polyp dạ dày, viêm loét dạ dày có nhiễm vi khuẩn HP…
Vị chuyên gia này cũng cảnh báo, hiện nay do lối sống hiện đại, nhiều người thường xuyên căng thẳng, stress cộng thêm chế độ ăn quá cay, ăn nhiều thịt nướng, thịt ướp muối, hạt có mốc, thực phẩm có chứa chất bảo quản không cho phép, thừa cân, béo phì… cũng góp phần dẫn tới ung thư dạ dày.
Rất dễ nhầm lẫn ở giai đoạn đầu và cần khám ngay khi có triệu chứng cảnh báo
Với ung thư dạ dày, nhất là ở những người trẻ, diễn biến thường âm thầm, triệu chứng nghèo nàn và rất hay nhầm sang bệnh lý thông thương khác. Chính vì lý do đó nhiều người trẻ khi bị buồn nôn, đau thượng vị thường hay nghĩ đến vấn đề khác, đến khi đi khám thì đã ở giai đoạn muộn, điển hình như nữ bệnh nhân trên.
PGS Phạm Cẩm Phương cho rằng, ung thư dạ dày nếu phát hiện sớm hoàn toàn có thể điều trị khỏi.
PGS Phương cho rằng, ung thư dạ dày hoàn toàn có thể phát hiện sớm thông qua nội soi dạ dày. Các biểu hiện ở giai đoạn sớm mọi người cần chú ý là: Cảm giác đầy bụng, tức vùng trên rốn. Một số người có triệu chứng ợ hơi, ợ chua giống tình trạng viêm loét dạ dày nên rất khó biết được tình trạng nào là của ung thư hay viêm loét dạ dày thông thường. Do đó, cần nội soi dạ dày để sớm phát hiện ra tình trạng bệnh.
“Khi có triệu chứng trên đi khám. Các bác sĩ sẽ tiến hành nội soi để phát hiện tổn thương sùi loét, thâm nhiễm cứng. Nếu ở giai đoạn sớm, bệnh nhân có tình trạng gồ lên của niêm mạc, khi đó bác sĩ sẽ sinh thiết tổ chức tổn thương để xác định. Nếu xác định sớm, việc điều trị sẽ hiệu quả, bệnh có thể khỏi hoàn toàn.
Khi đã ở giai đoạn muộn, bệnh nhân có nổi hạch vùng cổ, bụng to lên, sụt cân, nôn… Một số bệnh nhân có tình trạng nôn ra máu, nôn liên tục, nôn ra thức ăn cũ, đi ngoài phân đen. Khi phát hiện ở giai đoạn muộn, việc điều trị sẽ khó khăn, thời gian kéo dài sự sống không lâu”, PGS Cẩm Phương chia sẻ.
Ngoài những người có triệu chứng như đã nói trên cần đi khám, PGS Phương khuyến cáo, với người không có triệu chứng nhưng tuổi trên 40 cũng nên đi khám định kỳ, tầm soát ung thư dạ dày.
Để phòng bệnh, PGS Phạm Cẩm Phương khuyên mọi người nên:
- Duy trì chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng hợp lý, ăn các thức ăn chứa nhiều vitamin A, B, E.
- Hạn chế ăn đồ ăn mặn, ăn cay…
- Hạn chế ăn đồ hun khói, nướng, chiên.
- Từ bỏ thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia, chất kích thích.
- Có chế độ nghỉ ngơi, luyện tập thể dục thể thao hợp lý, điều độ. Giữ tâm lí thoải mái, giảm các căng thẳng.
- Đối với những bệnh nhân có viêm loét, viêm teo dạ dày cần phải điều trị dứt điểm.
Tin liên quan
Việc ăn uống và sinh hoạt cân bằng trong dịp Tết Nguyên đán là rất quan trọng để vừa bảo vệ sức khỏe, vừa không bị đảo lộn nhịp sinh học của...
Tin bài cùng chủ đề Ung thư dạ dày
Theo các bác sĩ, sử dụng gia vị thảo mộc, thịt ít mỡ, nấu thịt chín trước một phần hãy nướng… là cách giúp món thịt nướng ăn vừa ngon miệng vừa tốt cho sức khỏe.
Bệnh ung thư khác