Lá bồ công anh có tác dụng gì?

HOÀNG DƯƠNG - Ngày 29/04/2021 17:20 PM (GMT+7)

Gần như mọi bộ phận trên bồ công anh đều có những công dụng tốt cho sức khỏe, đặc biệt lá bồ công anh còn được dùng làm thuốc và có rất nhiều tác dụng. Vậy cụ thể lá bồ công anh có tác dụng gì?

Bồ công anh là một họ thực vật có hoa, mọc ở nhiều nơi trên thế giới. Hầu hết mọi người đều xem bồ công anh như một loài cỏ dại nhưng trong thực hành y học thảo dược, bồ công anh được đánh giá cao vì nhiều đặc tính y học của nó.

Trong nhiều thế kỷ, chúng đã được sử dụng để điều trị vô số bệnh về thể chất, bao gồm ung thư, mụn trứng cá, bệnh gan và rối loạn tiêu hóa.

Xét về hàm lượng dinh dưỡng, đám bồ công anh ở vườn nhà bạn có thể tốt ngang với những loại rau bạn hay ăn.  Từ gốc đến hoa, lá bồ công anh đều có giá trị dinh dưỡng cao, chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ. Chẳng hạn như lá bồ công anh chứa nhiều chất dinh dưỡng như sắt, canxi, phốt pho, magiê, kali, mangan và các loại vitamin như vitamin A, C, E, K, B1, B2, B6. Rễ của bồ công anh cũng có chứa canxi, sắt, kali, lưu huỳnh, silic, magiê, chất diệp lục và phốt pho.

Lá bồ công anh có tác dụng gì? - 1

Lá, rễ và hoa bồ công anh đều có tác dụng tốt với sức khỏe.

Lá bồ công anh có tác dụng gì?

Lá bồ công anh thường dài, có hình răng cưa và không có cuống. Khi bấm vào lá hoặc thân bồ công anh sẽ thấy tiết ra nhựa màu trắng như sữa. Lá bồ công anh thường được phơi khô để sử dụng làm thuốc. Theo Đông y, lá bồ công anh có vị ngọt, đắng, tính hàn, vào các kinh tỳ, vị, đại tràng, tiểu tràng, thận, bàng quang, can đởm.

Còn theo y học hiện đại, lá bồ công anh có những tác dụng như:

1. Điều trị các bệnh về da

Bồ công anh có thể dùng để điều trị các bệnh ngoài da do nhiễm nấm hoặc vi khuẩn. Chất nhựa tiết ra khi bấm vào lá và thân bồ công anh có khả năng sát trùng, diệt côn trùng, diệt nấm và có tính kiềm cao. Chiết xuất từ bồ công anh có công dụng tốt đối với các bệnh ngoài da như ghẻ, eczema,...

Lá bồ công anh có tác dụng gì? - 2

Chất nhựa tiết ra khi bấm vào lá bồ công anh có khả năng sát trùng, diệt côn trùng, diệt nấm.

2. Cải thiện chức năng gan

Bồ công anh kích thích gan tự nhiên do đó giúp cải thiện chức năng gan và cũng thúc đẩy quá trình tiêu hóa. Các hoạt chất trong bồ công anh có thể giúp thải độc tố ra khỏi cơ thể, tái cân bằng điện giải và tái lập các hydrat. Bạn có thể dùng lá bồ công anh cùng với một số loại rau lá xanh khác vào làm sinh tố hoặc salad để dễ ăn hơn mà vẫn nhận được những lợi ích sức khỏe. 

3. Ngừa bệnh ung thư

Có lẽ một trong những tuyên bố về sức khỏe hấp dẫn nhất của bồ công anh là khả năng ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư trong nhiều hệ cơ quan khác nhau.

Một nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy sự phát triển của tế bào ung thư đã giảm đáng kể khi được điều trị bằng chiết xuất từ lá bồ công anh. Tuy nhiên, chiết xuất từ ​​hoa hoặc rễ cây bồ công anh không dẫn đến kết quả tương tự.

Các nghiên cứu trong ống nghiệm khác đã chỉ ra rằng chiết xuất từ ​​rễ cây bồ công anh có khả năng làm chậm đáng kể sự phát triển của tế bào ung thư trong mô gan, ruột kết và tuyến tụy.

Những phát hiện này rất đáng khích lệ, nhưng cần nghiên cứu thêm để hiểu đầy đủ về cách cây bồ công anh có thể hữu ích trong việc điều trị hoặc ngăn ngừa ung thư ở người.

4. Giảm cholesterol

Một số hợp chất hoạt tính sinh học trong bồ công anh có thể làm giảm cholesterol, có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

Một nghiên cứu trên động vật cho thấy chiết xuất từ bồ công anh đã làm giảm đáng kể mức cholesterol và chất béo trung tính ở những con chuột.

Một nghiên cứu trên thỏ đã đánh giá tác động của việc bổ sung rễ và lá bồ công anh vào chế độ ăn nhiều cholesterol. Những con thỏ được ăn lá bồ công anh đã giảm đáng kể mức cholesterol.

Mặc dù những kết quả này rất hấp dẫn, nhưng vẫn cần nghiên cứu thêm để xác định tác động tiềm tàng của bồ công anh đối với cholesterol ở người.

5. Làm chậm quá trình lão hóa da

Lá bồ công anh có tác dụng gì? - 3

Chiết xuất từ lá bồ công anh có thể ngăn da bị tổn thương. (Ảnh minh họa)

Nghiên cứu trên động vật và ống nghiệm chỉ ra rằng bồ công anh có thể bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời, lão hóa và mụn trứng cá.

Trong một nghiên cứu, chiết xuất từ ​​lá và hoa bồ công anh đã bảo vệ da khỏi bị tổn thương khi thoa ngay trước hoặc ngay sau khi tiếp xúc với bức xạ UVB (ánh sáng mặt trời). Điều thú vị là rễ cây bồ công anh không có hiệu quả theo cách tương tự.

Một nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy chiết xuất từ ​​rễ cây bồ công anh làm tăng thế hệ tế bào da mới, có thể làm chậm quá trình lão hóa.

Nghiên cứu bổ sung chỉ ra rằng chiết xuất bồ công anh có thể làm giảm viêm và kích ứng da đồng thời tăng cường hydrat hóa và sản xuất collagen. Điều này có thể hữu ích trong việc ngăn ngừa và điều trị một số loại mụn.

Vẫn cần nghiên cứu đáng tin cậy về con người để hiểu rõ hơn về cách bồ công anh có thể hỗ trợ sức khỏe làn da.

6. Những tác dụng khác

Ngoài những công dụng trên, lá bồ công anh còn có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, trị chứng ủng tắc, tán nhiệt kết, tiêu viêm, điều trị các chứng bệnh như: Phụ nữ tắc tia sữa sưng vú đau, ung nhọt vú, đau ngực do can khí uất, các đinh độc ngoài da. Chứng nhiệt lâm sáp thống (viêm đường tiết niệu do bàng quang nhiệt). Chứng đởm khí uất (viêm tắc túi mật không do sỏi), chứng loa lịch (quai bị), viêm họng, chứng mục xích (đau mắt đỏ), chứng phế ung (áp-xe phổi) chứng viêm loét hang vị dạ dày...

Cách dùng lá bồ công anh

Lá, thân và hoa bồ công anh thường được tiêu thụ ở trạng thái tự nhiên và có thể được ăn chín hoặc sống. Rễ thường được sấy khô, xay và dùng như một chất thay thế trà hoặc cà phê .

Bồ công anh cũng có sẵn ở dạng bổ sung, chẳng hạn như viên nang, chất chiết xuất và cồn thuốc.

Hiện tại, không có hướng dẫn liều lượng rõ ràng, vì rất ít nghiên cứu trên người đã được tiến hành về cây bồ công anh như một chất bổ sung.

Theo một số dữ liệu có sẵn, liều lượng đề xuất cho các dạng khác nhau của bồ công anh là:

Lá tươi: 4–10 gam, hàng ngày.

Lá khô: 4–10 gam, hàng ngày.

Nước ép lá tươi: 1 thìa cà phê (5 ml), ngày 2 lần.

Chiết xuất chất lỏng: 1–2 thìa cà phê (5–10 ml), hàng ngày.

Rễ tươi: 2–8 gam, hàng ngày.

Bột khô: 250–1.000 mg, bốn lần một ngày.

Lá bồ công anh có tác dụng gì? - 4

Lá bồ công anh có nhiều tác dụng nhưng không phải ai cũng có thể dùng.

Lưu ý khi dùng lá bồ công anh

Không phải ai cũng có thể dùng bồ công anh nói chung hay lá bồ công anh nói riêng. Những người không mắc chứng khí trệ, không sưng nóng thì không được dùng bồ công anh. Cơ thể gầy còm, già yếu tân dịch kém, trẻ em dưới 6 tuổi khi dùng phải cân nhắc liều lượng.

Khi đang dùng bồ công anh để chữa bệnh cần kiêng ăn rau muống, đỗ xanh, đồ ăn cay, rượu, bia có thể làm mất tác dụng của thuốc hoặc phản tác dụng.

Nguồn tham khảo:

Bồ công anh - vi thuốc đa tác dụng - Sức khỏe đời sống - Xuất bản 21/10/2019

7 lợi ích sức khỏe đáng kinh ngạc của cây bồ công anh - Sức khỏe đời sống - Xuất bản 15/9/2015

13 Potential Health Benefits of Dandelion - Healthline - Xuất bản 18/7/2018

Uống hạt é có tác dụng gì?
Hạt é thường được tìm thấy trong các món đồ uống, chè, sinh tố của người Việt. Vậy uống hạt é có tác dụng gì không và uống nhiều hạt é có tốt không?
HOÀNG DƯƠNG (Dịch từ Healthline)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bồ công anh