Nói đến tỏi người thường nghĩ đến một loại gia vị khá quan trọng trong nhiều món ăn thường ngày. Tác dụng của tỏi không chỉ đánh thức hương vị của món mà ý nghĩa hơn nó mang đến rất nhiều lợi ích cho sức khỏe con người.
Với sự đa dạng trong thành phần dinh dưỡng có trong tỏi, mỗi loại lại có một hay nhiều tác dụng ích lợi cho sức khỏe con người.
Thành phần dinh dưỡng có trong 100g tỏi
- Năng lượng: 149 Kcal
- Carbohydrate: 33,06 g
- Protein: 6,36 g
- Tổng số chất béo: 0,5 g
- Cholesterol: 0 mg
- Chất xơ: 2,1 g
- Axit folic: 3 mcg
- Niacin: 0,700 mg
- Axit pantothenic: 0,596 mg
- Pyridoxin: 1,235 mg
- Riboflavin: 0,10 mg
- Thiamin: 0,200 mg
- Vitamin A: 9 IU
- Vitamin C: 31,2 mg
- Vitamin E: 0,08 mg
- Vitamin K: 1.7
- Natri: 153 mg
- Kali: 401 mg
- Canxi: 181 mg
- Đồng: 0,299 mg
- Sắt: 1,70 mg
- Magiê: 25 mg
- Mangan: 1,672 mg
- Photpho: 153 mg
- Selen: 14.2
- Kẽm: 1.160 mg
Hàm lượng chất dinh dưỡng theo từng chất có sự chênh lệch nhưng chúng ta thấy sự phong phú, đa dạng các loại có trong tỏi. Chính điều này đã làm nên những tác dụng hữu hiệu của loại thực vật này với sức khỏe con người khiến chúng được dùng hàng ngày, phổ biến và liên tục. Vậy những tác dụng của tỏi cụ thể là gì và ứng dụng của nó ra sao?
1. Phòng chống cảm lạnh, nâng cao sức đề kháng
Vào mùa lạnh, nếu là người hay bị ho, cảm cúm thì bạn nên sử dụng tỏi, các chế phẩm từ tỏi thường xuyên hơn. Tính kháng khuẩn, chống viêm của tỏi đã được khoa học chứng minh.
Tỏi được biết đến để tăng cường chức năng của hệ miễn dịch. Các nhà nghiên cứu thực hiện cuộc khảo sát 12 tuần cho thấy bổ sung tỏi hàng ngày giúp giảm 63% cảm lạnh. Các triệu chứng sẽ thuyên giảm đến 70% như từ 5 ngày còn 1,5 ngày khi bạn sử dụng tỏi.
2. Ổn định huyết áp
Hiện nay, các bệnh về tim mạch như đau tim, đột quỵ là kẻ giết người thầm lặng, cướp đi sinh mạng của hàng triệu người trên thế giới. Huyết áp cao hay tăng huyết áp là một trong những biểu hiện rõ nét của những bệnh này.
Các nhà khoa học đã tìm thấy chất bổ sung trong tỏi có tác động đáng kể trong việc giảm huyết áp ở những người bị huyết áp cao. Tác dụng của tỏi là điều hòa, ổn định sự vận hành lưu thông của lưu lượng máu trong mạch. Để ngăn ngừa, phòng chống các biến chứng, tai biến bạn có thể sử dụng 2 - 4 tép tỏi hàng ngày.
3. Ngăn ngừa bệnh Alzheimer và chứng mất trí
Như chúng ta biết, các gốc tự do là tác nhân tham gia quá trình lão hóa ở con người. Việc triệt tiêu các gốc tự do là phương pháp căn bản cải thiện tình trạng già hóa của cơ thể.
Tỏi chứa chất chống oxy hóa cực tốt hỗ trợ cơ chế bảo vệ cơ thể chống lại sự oxy hóa
Sử dụng tỏi với hàm lượng cao đã được chứng minh làm tăng enzym chống oxy hóa ở người, cũng như giảm đáng kể căng thẳng ở những người bị huyết áp cao. Việc giảm cholesterol và ổn định huyết áp cũng như đặc tính chống oxy hóa giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về não phổ biến như Alzheimer và chứng mất trí nhớ là một công dụng cực kỳ hữu ích mà loại thực vật này mang lại.
4. Giải nhiễm độc kim loại nặng
Hiện nay, nhiễm độc từ những kim loại nặng diễn ra ngày càng phổ biến. Dù âm thầm song khi phát hiện, hậu quả mà chúng gây ra với các cơ quan phủ tạng là rất lớn. Bên cạnh sử dụng các thuốc điều trị đặc hiệu, bạn có thể dùng thêm tỏi như một dược liệu tự nhiên để thải bỏ độc tố.
Các hợp chất lưu huỳnh trong tỏi đã được chứng minh là bảo vệ, chống lại tổn thương nội tạng do độc tính kim loại nặng nếu bạn nhiễm phải.
Một nghiên cứu kéo dài 4 tuần ở các nhân viên một nhà máy pin xe hơi (khi tiếp xúc quá nhiều với chì) cho thấy tỏi làm giảm 19% lượng chì trong máu của họ. Nó cũng làm giảm nhiều dấu hiệu lâm sàng về độc tính bao gồm đau đầu và tăng huyết áp.
5. Cải thiện chất lượng xương khớp
Hiện tượng giảm mật độ xương (mất xương), loãng xương hiện nay diễn ra phổ biến, nhất là độ tuổi trung niên do tình trạng lão hóa. Bên cạnh sản phẩm từ thuốc, sữa uống, tỏi cũng có thể góp phần đáng kể việc cải thiện chất lượng xương khớp của bạn.
Các chất dinh dưỡng, vitamin trong tỏi như kẽm, mangan, vitamin B6, vitamin C, đặc biệt là mangan hàm lượng cao, chất chống oxy hóa sẽ tăng chuyển hóa xương và khả năng hấp thụ canxi để tạo xương. Nữ giới tiền mãn kinh và mãn kinh sẽ giảm loãng xương khi dùng tỏi thường xuyên.
6. Phòng chống ung thư phổi
Theo một nghiên cứu được thực hiện tại Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, những người ăn tỏi sống ít nhất 2 lần một tuần trong thời gian 7 năm có nguy cơ mắc ung thư phổi thấp hơn 44%. Nhiều nghiên cứu chứng minh mối liên hệ giữa việc ăn tỏi sống với việc ngừa căn bệnh ác tính ở phổi này. Tác dụng của tỏi càng được khẳng định khi mang lại ý nghĩa lớn này.
7. Tăng cường sức khỏe cho tim
Diallyl trisulfide - một thành phần của dầu tỏi - giúp bảo vệ tim trong quá trình phẫu thuật. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy diallyl trisulfide có thể được sử dụng để điều trị suy tim. Khí hydro sunfua đã được chứng minh là bảo vệ tim khỏi bị hư hại.
8. Bảo vệ tuyến tiền liệt, ngăn ngừa ung thư
Tuyến tiền liệt là cơ quan quan trọng của nam giới và cũng là bộ phận dễ bị tổn thương từ các bệnh, nhất là ung thư. Việc sử dụng tỏi thường xuyên là cách làm khôn ngoan để bạn phòng chống nguy cơ dẫn đến căn bệnh này.
9. Giải rượu, bia và bảo vệ lá gan
Các nhà khoa học tại trường Y tế công cộng thuộc Đại học Sơn Đông, Trung Quốc nghiên cứu cho biết diallyl disulfide (DADS), một hợp chất organosulfur từ tỏi có tác dụng bảo vệ chống lại oxy hóa ethanol gây ngộ độc, tổn thương gan. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng DADS có thể giúp cơ thể chống lại tổn thương gan do ethanol gây ra.
10. Giảm thiểu nguy cơ đẻ non
Nhiễm vi khuẩn khi mang thai làm tăng nguy cơ sinh non ở phụ nữ. Các nhà khoa học tập trung vào tác dụng của chất alliums (có trong tỏi) và xác định loại thực phẩm này giúp giảm nguy cơ đẻ non.
11. Chăm sóc da
Chất kháng khuẩn, chống viêm trong tỏi giúp bạn trị vấn đề mụn trứng cá trên da hiệu quả hơn. Tinh chất trong tỏi sẽ khử các ổ viêm giúp bảo vệ da của bạn. Chỉ cần lấy lát tỏi mỏng hoặc nước ép tỏi thoa nhẹ lên vùng bị trứng cá, để trong khoảng 5-7 phút và rửa với nước sạch bạn sẽ thấy bất ngờ từ công dụng của nó.
Sử dụng tỏi với lượng hợp lý để tránh các tác dụng không mong muốn.
Một số tác dụng phụ khi sử dụng tỏi quá nhiều
- Có hại cho gan: Tỏi vốn giúp gan bài độc, bảo vệ sức khỏe lá gan nhưng khi dùng với hàm lượng nhiều thì lại phản tác dụng. Mặc dù giàu chất chống oxy hóa, theo một nghiên cứu của Ấn Độ, nhưng tỏi có thể gây độc cho gan nếu sử dụng quá mức. Bạn chỉ nên dùng 1-2 tép/ngày.
- Tạo mùi khó chịu: Với không ít người, ngửi thấy mùi tỏi (như từ hơi thở của người đối diện) thực sự khó chịu và không muốn giao tiếp. Mùi từ tỏi lưu lại rất lâu trong miệng dù bạn có đánh răng hay nhai kẹo cao su.
- Triệu chứng buồn nôn, ợ nóng: Sử dụng tỏi tươi hoặc các chất chiết xuất từ tỏi trong khi bụng đói có thể gây buồn nôn, nôn mửa và ợ nóng. Tác dụng của tỏi đi ngược lại với những gì bạn muốn (nếu muốn dễ tiêu hơn chẳng hạn).
- Chảy máu nhiều hơn: Tỏi có thể khiến vấn đề chảy máu thêm trầm trọng nếu không dùng đúng cách. Các bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân không được dùng tỏi trong khi sử dụng thuốc làm loãng máu như warfarin, clopidogrel và aspirin.
Cách chọn và bảo quản tỏi được lâu
Khi chọn tỏi để tích trữ, dùng lâu dài người tiêu dùng cần phải chú ý đến việc quan sát như tìm những củ rắn chắc, không bị sâu, mọt. Bạn xem lớp vỏ bên ngoài còn nguyên, không dập nát, không quá nhăn và khô.
Thông thường, nhiều người vẫn bảo quản tỏi trong các túi lưới. Bạn cũng có thể thấy điều này trong khi đi mua ở chợ, siêu thị. Nếu chọn về, chị em có thể cất trữ ở nơi thoáng mát, khô ráo là dùng được lâu dài. Điều này sẽ giúp tỏi không bị nấm mốc, giữ được mùi thơm, vị hăng cay khi sử dụng.
Như vậy, có thể thấy những tác dụng của tỏi với sức khỏe con người là không thể phủ nhận. Nhưng điều gì quá cũng gây nên những hệ lụy. Việc sử dụng tỏi với lượng hợp lý sẽ giúp chúng ta cải thiện sức khỏe, phòng chống bệnh tật. Hãy dùng tỏi thường xuyên để bảo vệ bản thân và sức khỏe người thân bên cạnh bạn nhé.