Tổng quan bệnh lây truyền qua đường tình dục
Bệnh lây truyền qua đường tình dục (LTTD) là những bệnh gây tổn thương chủ yếu ở đường sinh sản (âm đạo, tử cung, vòi trứng và buồng trứng ở nữ; dương vật, tinh hoàn ở nam). Hiện có khoảng 20 bệnh LTTD. Các bệnh thường gặp là: lậu, giang mai, Chlamydia, sùi mào gà, hạ cam mềm, viêm âm đạo, mụn rộp sinh dục, viêm gan siêu vi B, HIV/AIDS. Một số bệnh LTTD có thể điều trị được như: lậu, giang mai, Chlamydia, sùi mào gà, hạ cam mềm, viêm âm đạo. Có bệnh không điều trị được hoặc trị không khỏi hẳn như: HIV/AIDS, viêm gan siêu vi B, mụn rộp sinh dục...
Mầm bệnh cư trú ở dịch nhờn sinh dục, các vết sưng, vết loét, trong máu..., sau đó lây truyền qua các vết trầy xước trong khi quan hệ tình dục (giang mai, hạ cam mềm), vi khuẩn bám dính vào niêm mạc sinh dục (lậu, sùi mào gà, trùng roi, nấm).
Đối tượng nguy cơ
Bất cứ ai đã có quan hệ tình dục đều có nguy cơ nhiễm bệnh LTTD: Những người có quan hệ tình dục bừa bãi, không an toàn. Người có nhiều bạn tình, người hành nghề mại dâm. Người sử dụng ma túy, đặc biệt là thuốc lắc (ectasy). Vị thành niên và thanh niên trẻ từ 15 - 25 tuổi. Phụ nữ cũng có nguy cơ nhiều hơn nam bị nhiễm các bệnh LTTD, nhất là phụ nữ trẻ vì tần suất quan hệ tình dục nhiều và mạnh bạo hơn nên dễ gây tổn thương cho niêm mạc âm đạo, mở đường cho các bệnh LTTD, nhiễm khuẩn và cả HIV/AIDS xâm nhập.
Đa số bệnh LTTD là tiềm ẩn, phụ nữ thường mắc nhiều hơn nam giới nhưng khó phát hiện hơn, do đó rất nguy hiểm vì không biết mắc bệnh khi nào nên không đi khám bệnh; không biết để phòng ngừa cho người khác nên dễ lây lan ra cộng đồng. Người bệnh thường có tâm lý e ngại, tự ti mặc cảm, muốn che giấu, khi có dấu hiệu bệnh không muốn đi khám mà tự đi mua thuốc uống nên bệnh không hết hẳn. Các bệnh chữa trị được ngày càng ít đi trong khi các bệnh khó trị hoặc không trị khỏi ngày càng nhiều hơn.
Các tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường tình dục
Ở Việt Nam, đa số dân chúng có khái niệm rằng các bệnh lây qua đường tình dục chỉ có lậu, giang mai, HIV. Tuy nhiên trên thực tế, các tác nhân gây bệnh gấp nhiều lần số đó. Có thể chia các tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường tình dục theo các nhóm sau:
- Do Virus: HIV, HPV (virus gây nên các nốt sùi sinh dục); HSV (gây nên các mụn rộp sinh dục); virus viêm gan A, B, C; Molluscum contagiosum virus (U mềm lây).
- Do vi khuẩn: Lậu (Neisseria gonorrhoeae); Giang mai (Treponema pallidum); Chancroid (hạ cam); Chlamydia; Klebsiella granulomatis; Ureaplasma ureaticum; Mycoplasma genitalium, Mycoplasma hominis.
- Do kí sinh trùng: Trichomoniasis: Trùng roi; Ghẻ (Sarcoptes scabiei); Rận mu (Pthirus pubis).
- Do nấm: Candida albican
Các tác nhân lây bệnh là rất đa dạng , phong phú, có thể lây truyền qua nhiều con đường, và có thể gay nên nhiều bệnh lý cho cơ thể từ nhẹ đến rất nặng. Do đó hiểu biết về các tác nhân này, để có hành vi tình dục an toàn là điều rất cần thiết cho mọi lứa tuổi ở cả hai giới.
Các con đường lây truyền
Trong quan niệm của đa số dân chúng, các bệnh lây truyền qua đường tình dục chỉ lây khi có quan hệ tình dục thực sự giữa nam-nữ. Nhưng thực tế , tình trạng lây truyền bệnh diễn ra rất phức tạp và qua rất nhiều con đường mà nhiều khi chúng ta không ngờ tới.
1. Lây qua tiếp xúc bộ phận sinh dục: Đây là con đường lây truyền chính của các bệnh lây truyền qua đường tình dục giữa nam-nữ.
2. Lây qua tiếp xúc miệng – bộ phận sinh dục nam-nam/nữ-nữ/ nam-nữ: Đa số dân chúng không nghĩ đây là con đường có thể lây truyền các bệnh. Nhưng thực tế đây là lại một con đường lây truyền rất hiệu quả và phức tạp, đặc biệt với các dịch vụ mát-xa trá hình.
3. Lây qua tiếp xúc bộ phận sinh dục-hậu môn: Đây là cách lây truyền giữa những người nam-nam đồng giới không sử dụng biện pháp an toàn.
4. Hôn hoặc tiếp xúc gần cơ thể: lây nhiễm rận mu, ghẻ, và u mềm lây.
5. Từ mẹ sang con trước hoặc trong khi sinh: giang mai, herpes, nhiễm Chlamydia, bệnh lậu, vi rút suy giảm miễn dịch của con người (HIV), và u nhú ở người nhiễm (HPV).
6. Cho con bú: Có thể lây nhiễm HIV
Biết được các con đường lây truyền, chúng ta cần hết sức tránh những hành vị có nguy cơ truyền hoặc nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Chẩn đoán bệnh lây truyền qua đường tình dục
Do có rất nhiều tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) với các cách thức lây truyền khác nhau, nên trong thực tế phải cần nhiều loại xét nghiệm chuyên biệt để gọi tên đích danh tác nhân gây bệnh, phục vụ cho chẩn đoán chính xác
Xét nghiệm nước tiểu: Trước các bệnh nhân nghi STDs có rối loạn đi tiểu, xét nghiệm nước tiểu giúp xác định co tình trạng viêm đường tiết niệu kèm theo hay không
Soi tươi dịch niệu đạo, dịch âm đạo: Phát hiện được lậu, phân biệt viêm âm đạo do các loại trùng roi, ghẻ
Xét nghiệm máu: Phát hiện các loại kháng thể được hình thành trong cơ thể khi các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể nam giới; như các bệnh HIV, viêm gan B-C, Giang mai…
Xét nghiệm khuếch đại GEN (PCR)
+ Dịch niệu đạo: Phát hiện các tác nhân gây nên hội chứng niệu đạo mà soi tươi không thể phát hiện ra như Chlamydia, Ureaplasma, Mycoplasma
+ U sùi vùng sinh dục: Định týp sùi mào gà, xác định loại u mềm lây
+ Dịch tiết vết loét: Phân biệt với virus Herpes sinh dục.
Bệnh nhân đến khám tại Khoa Nam học và Y học giới tính, BV Đại học Y Hà Nội.
Điều trị
Việc điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục không có một công thức chung, hoàn toàn phụ thuộc vào kết quả phân lập và xác định tác nhân gây bệnh.
Nếu tác nhân là các vi khuẩn, trùng roi, nấm: có thể điều trị khỏi, tuy nhiên cần lưu ý điều trị tuân thủ chặt chẽ theo kháng sinh đồ, theo guide line hướng dẫn, tránh sử dụng kháng sinh tràn lan, bao vây. Lưu ý xu thế xuất hiện các chủng vi khuẩn kháng kháng sinh nguy hiểm, không nhạy cảm với các loại kháng sinh hiện có
Với các tác nhân là các virus, điều trị tích cực các triệu chứng lâm sàng để tránh lây truyền. Giáo dục đầy đủ cho người bệnh về việc không có thuốc chữa khỏi các virus.
Phòng ngừa
Cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa STDs là... không quan hệ tình dục. Tuy nhiên đây là cách không khả thi. Do đó cần:
- Giáo dục kiến thức, tư vấn hành vi tình dục cho tất cả thanh thiếu niên trước khi bước vào thời kì hoạt động tình dục, thông qua các hoạt động giáo dục ngoại khóa.
- Thực hành tình dục an toàn, hạn chế số lượng ban tình.
- Cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa lây truyền STDs qua đường tình dục là tránh tiếp xúc với các bộ phận cơ thể hoặc chất lỏng có thể dẫn đến lây truyền với bạn tình bị nhiễm bệnh.
- Có các loại vắc-xin để bảo vệ chống lại một số bệnh lây truyền qua đường tình dục do vi rút, chẳng hạn như viêm gan A, viêm gan B và một số loại HPV. Nên tiêm phòng trước khi bắt đầu quan hệ tình dục để đảm bảo sự bảo vệ tối đa.
- Cắt bao quy đầu được coi là một phương pháp hạn chế sự lấy nhiễm của các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- Khám sớm và điều trị kịp thời khi có triệu chứng nghi ngờ, tránh lây nhiễm xung quanh
- Sử dụng bao cao su đúng cách bao cao su nam và bao cao su nữ: Sử dụng bao cao su mới cho mỗi lần quan hệ tình dục. Sử dụng bao cao su đúng kích cỡ. Cẩn thận xử lý bao cao su để tránh làm hỏng bao cao su bằng móng tay, răng hoặc các vật sắc nhọn khác.