Bệnh thần kinh là gì?
Bệnh thần kinh (hay rối loạn thần kinh) là những bệnh gây ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh như các dây thần kinh, não,... Hệ thống thần kinh kiểm soát tất cả các chức năng của cơ thể nên nếu có sự tổn thương nào ở bộ phận này cũng dễ dẫn đến các triệu chứng ở các bộ phận khác nhau.
Có tới hàng trăm loại bệnh ở hệ thần kinh, ảnh hưởng đến hàng triệu người trên thế giới.
Một số triệu chứng bệnh thần kinh
Các chứng bệnh thần kinh khá phức tạp, đa dạng, thường có các biểu hiện:
Chứng đau nhức: Thường là nhức đầu, nhức nửa đầu, nhức nửa mặt, đau thần kinh hông. Thường phối hợp với các chứng đau mình mẩy, đau chân, đau bả vai.
Chứng run, co giật: Thường run chân tay, đi đứng run rẩy, loạng choạng hoặc nói run run. Có thể có cơn co giật kiểu động kinh. Có cơn động kinh và rối loạn tâm thần, rối loạn điều hòa các cử động…
Rối loạn nuốt, phát âm: Có thể có hiện tượng nghẹn đặc, sặc lỏng và đi đứng khó khăn.
Rối loạn trí nhớ: Người bệnh cảm thấy quên nhiều và lẫn hoặc có hiện tượng nhớ nhầm, ngộ nhận…
Các triệu chứng khác như mờ mắt; thay đổi tính cách, tê bì tay chân,...
Nguyên nhân gây ra các bệnh thần kinh
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý thần kinh nhưng phổ biến nhất là:
1. Tuổi tác
Có khoảng 8% người từ 55 tuổi trở lên mắc một số dạng bệnh đa dây thần kinh. Bạn càng lớn tuổi, nguy cơ mắc các bệnh hệ thần kinh càng cao.
2. Bệnh đái tháo đường
Có khoảng 12-50% người mắc đái tháo đường gặp biến chứng đến thần kinh ngoại biên. Tình trạng rối loạn đường huyết mức độ nặng sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động của dây thần kinh, cụ thể khiến đặc tính dẫn truyền của dây thần kinh bị chậm lại hoặc thay đổi.
3. Trải qua hóa trị
Người mắc ung thư có thể bị bệnh thần kinh ngoại vi do hóa trị liệu với các triệu chứng như suy giảm cử động, thay đổi nhịp tim, huyết áp, các vấn đề thăng bằng, khó thở, tê liệt, suy nội tạng.
4. HIV hoặc AIDS
Những người đang điều trị HIV/AIDS có thể phát triển thành bệnh thần kinh do tác động của virus và các loại thuốc điều trị. Các triệu chứng gồm ngứa ran, bỏng rát, mất cảm giác ở chân tay,...
5. Rối loạn tự miễn
Các bệnh rối loạn tự miễn như lupus ban đỏ hệ thống, viêm mạch, bệnh celiac, hội chứng Sjogren, hội chứng Guillain-Barré,... là yếu tố nguy cơ của rối loạn thần kinh.
6. Chấn thương và các bệnh lý xương khớp
Gặp chấn thương do chơi thể thao có thể làm hỏng hoặc gây áp lực lên dây thần kinh, ảnh hưởng tới chức năng dây thần kinh và gây ra bất thường ở hệ thống thần kinh.
Một số bệnh lý xảy ra do công việc cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh thần kinh. Chẳng hạn, hội chứng ống cổ tay – phát sinh do áp lực lặp đi lặp lại lên dây thần kinh và gân ở bàn tay – có thể gây ngứa ran hoặc tê ở lòng bàn tay và dọc theo các ngón tay. Tình trạng này thường ảnh hưởng đến những người trong độ tuổi từ 40 – 60, phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới.
7. Nhiễm trùng
Các bệnh truyền nhiễm như zona thần kinh có thể dẫn đến các rối loạn thần kinh. Nguy cơ phát triển chứng đau dây thần kinh sau zona tăng lên theo tuổi.
Với Lyme (căn bệnh do vi khuẩn Borrelia burgdorferi gây ra), có tới 12% bệnh nhân phát triển các triệu chứng thần kinh, đặc biệt là bệnh thần kinh liên quan đến khuôn mặt.
8. Thiếu hụt dinh dưỡng
Khi cơ thể thiếu chất, các dây thần kinh có thể ngừng hoặc hoạt động không bình thường. Ví dụ những người bị thiếu hịt vitamin B12, các vỏ myelin bao quanh và bảo vệ dây thần kinh sẽ bị tổn thương nặng nề. Nguyên nhân thiếu dinh dưỡng là do chế độ ăn uống không cân bằng, cơ thể bị bệnh hoặc rối loạn chức năng hấp thụ, lạm dụng rượu bia…
9. Nhiễm độc tố
Các độc tố có trong một số loại thực phẩm cũng có thể dẫn đến bệnh thần kinh. Chẳng hạn, ăn quá nhiều hải sản chứa có thể dẫn tới hấp thụ nhiều thủy ngân.
10. Di truyền
Một vài dạng bệnh lý thần kinh có khả năng di truyền từ cha mẹ sang con cái. Bệnh được chẩn đoán thông qua xét nghiệm gen, ghi điện cơ và sinh thiết dây thần kinh hoặc cơ.
11. Nguyên nhân vô căn
Có tới 23% trường hợp không xác định được nguyên nhân gây bệnh thần kinh. Tình trạng này được gọi là bệnh thần kinh ngoại vi vô căn, thường gặp nhất ở những người trên 60 tuổi.
Các bệnh lý thần kinh nguy hiểm thường gặp
1. Đột quỵ (tai biến mạch máu não)
Tai biến mạch máu não còn được hiểu nôm na là đột quỵ. Bệnh thường tái diễn khi hoạt động cung cấp máu và oxy cho não bị gián đoạn. Từ đó, nếu kéo dài lâu sẽ khiến tế bào não chết dần, gây tổn thương mô não. Với trường hợp không được phát hiện và cấp cứu kịp thời, người bị tai biến mạch máu não có nguy cơ tử vong khá cao.
Có 2 loại tai biến mạch máu não chính:
Nhồi máu não: Đây là thể phổ biến và thường gặp nhất, chiếm đến 80% trong số tổng các ca bệnh tai biến mạch máu não.
Xuất huyết não: Chỉ chiếm khoảng 20% còn lại. Tuy nhiên, ở trường hợp này mức độ nguy hiểm đến tính mạng rất cao, nếu không cứu chữa kịp thời có thể dẫn đến tử vong chỉ trong vài phút.
Một số biểu hiện tai biến mạch máu não như tê liệt và yếu cơ; khó hoặc không có khả năng nói; giảm thị lực; hoa mắt, chóng mặt, đau đầu dữ dội.
2. Bệnh Parkinson
Bệnh Parkinson là một bệnh lý thoái hóa thần kinh đặc trưng bởi sự phá hủy các tế bào thần kinh có liên quan đến chất dẫn truyền thần kinh dopamine. Dopamine cho phép giao tiếp trong hệ thống thần kinh và tham gia vào việc thực hiện các cử động. Các triệu chứng chính của bệnh Parkinson: Chậm vận động, cứng cơ và run khi nghỉ ngơi. Những biểu hiện này cũng có thể đi kèm với sự mệt mỏi, thờ ơ, nói cách khác là rối loạn cảm xúc và khó khăn trong vận động.
3. Động kinh
Động kinh là một bệnh lý mãn tính xảy ra do sự bất thường trong não bộ dẫn tới sự kích thích đồng thời một nhóm các tế bào thần kinh của vỏ não, gây ra sự phóng điện đột ngột và không thể kiểm soát. Sự kích thích vỏ não ở các vùng khác nhau có thể gây ra những dấu hiệu khác nhau.
Bệnh động kinh xảy ra do hệ thống thần kinh trung ương trở nên rối loạn, khiến người bệnh bị co giật hoặc có những hành vi bất thường, đôi lúc có thể dẫn đến mất ý thức.
Nhiều người có quan niệm cho rằng động kinh là bệnh không chữa khỏi, không tiếp cận điều trị dẫn tới bỏ lỡ cơ hội được điều trị, đặc biệt điều trị không kiên trì, bỏ cuộc giữa chừng... đã làm gián đoạn điều trị. Nhiều trường hợp đang điều trị thuốc chống động kinh lại chuyển sang các bài thuốc lá, thuốc nam khiến bệnh trở nặng, hoặc gây ngộ độc cho cơ thể...
4. Bệnh Alzheimer, sa sút trí tuệ
Alzheimer là một trong những dạng rối loạn thần kinh dẫn đến sa sút trí tuệ thường gặp nhất ở những người trên 65 tuổi.
Alzheimer biểu hiện bằng trạng thái mất trí nhớ tiến triển, không hồi phục, không thể đảo ngược. Nghĩa là, một khi bạn mắc bệnh, bạn không bao giờ có thể quay lại với tình trạng sức khỏe trí não như trước đây
Hiện nay, không có phương pháp điều trị nào giúp chữa khỏi hoàn toàn bệnh Alzheimer hay đảo ngược quá trình tiến triển của bệnh. Tuy nhiên có nhiều liệu pháp can thiệp như sử dụng thuốc, tập luyện trí não… có thể kiểm soát tốt triệu chứng.
5. Đa xơ cứng
Bệnh đa xơ cứng (Multiple Sclerosis - MS) là một chứng rối loạn não bộ và tủy sống làm suy giảm chức năng thần kinh. MS thường gây viêm và nếu lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ phá hủy màng bọc myelin của dây thần kinh, để lại nhiều vùng mô sẹo dọc theo lớp phủ ngoài các tế bào thần kinh, gây hậu quả làm chậm hoặc tắc đường truyền xung điện thần kinh.
Triệu chứng dễ nhận thấy nhất của bệnh đa xơ cứng là mệt mỏi, cử động khó khăn, yếu cơ, rối loạn ngôn ngữ, suy giảm trí nhớ và nhận thức, rối loạn tiêu hóa. Ngoài ra, các cơn động kinh cũng có thể xuất hiện ở bệnh nhân đa xơ cứng.
6. U não
U não bao gồm nhiều loại khác nhau, trong đó u trong mô não chiếm trên dưới 50% các khối u ở trong sọ não; số còn lại là các khối u bắt nguồn từ màng não, dây thần kinh sọ não, tuyến yên, các khối u di căn...
Các triệu chứng lâm sàng sẽ xuất hiện từ từ và diễn biến âm ỉ. Một số biểu hiện phổ biến nhất ở bệnh nhân u não là: Đau đầu hoặc nhức đầu; Các đợt co giật vùng đầu; Khó tập trung, khó nói chuyện; Thay đổi hành vi; Yếu hoặc tê liệt một bên cơ thể; Mất thị lực và thính lực; Lú lẫn và mất phương hướng; Hay quên, thậm chí mất trí nhớ.
Điều trị các bệnh thần kinh
Do đặc điểm cơ thể người cao tuổi (tuổi già, sức yếu…) nên thường là đối tượng dễ mắc các bệnh thần kinh. Việc điều trị các chứng bệnh thần kinh phải toàn diện: toàn diện cho tính chất đa bệnh lý, toàn diện giữa thuốc với nuôi dưỡng cơ thể, nâng cao thể trạng, kết hợp dùng thuốc và các phương pháp phục hồi chức năng.
Sử dụng thuốc điều trị
Cơ thể người cao tuổi hấp thụ, chuyển hóa và thải trừ kém nên phải thận trọng khi sử dụng thuốc. Cần cho thêm các thuốc nâng cao thể trạng, các loại vitamin nhất là vitamin nhóm B. Nên kết hợp thuốc Đông y với những ưu việt dành cho người cao tuổi.
Phục hồi chức năng thần kinh
Phục hồi chức năng thần kinh là một phương pháp điều trị tích cực, tổng hợp, toàn diện nhất là vận dụng các phương pháp dưỡng sinh, thiền, khí công, luyện khí… Phục hồi chức năng vận động, tâm lý chú ý tới khí công, xoa bóp, bấm nắn, tất cả đều tĩnh tâm và thường phối hợp với thời khắc trong ngày… Tác động tâm lý giữ phần quan trọng trong công tác điều trị chứng bệnh thần kinh. Điều đó giúp người bệnh tự xác định, chịu khó tập luyện, ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý. Sự quan tâm của cộng đồng, cơ quan, gia đình, bạn bè, góp phần quan trọng cho việc điều trị có hiệu quả. Luôn luôn quan tâm tới chế độ ăn uống và nghỉ ngơi cho người bệnh cao tuổi.
Cách phòng ngừa và điều trị các bệnh lý thần kinh
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh
- Tập luyện cho bộ não bằng cách đọc sách, giải câu đố, chơi trò sudoku, kakuro… cũng là cách thúc đẩy não phải hoạt động nhiều hơn để ghi nhớ thông tin.
- Bảo vệ vùng đầu
- Ngủ đủ giấc
- Tập luyện đều đặn
- Không lạm dụng rượu bia
- Không hút thuốc lá
- Nghỉ ngơi hợp lý
- Chăm sóc sức khỏe tim mạch