Những bệnh trẻ em thường gặp

Tại sao trẻ em dễ bị ốm?

Hệ miễn dịch non yếu, chưa hoàn thiện

Sau khi sinh, trẻ nhận được một lượng kháng thể miễn dịch từ mẹ qua sữa. Trong quá trình lớn lên, hệ miễn dịch của trẻ mới dần dần được hoàn thiện. Do đó trẻ rất nhạy cảm với những thay đổi môi trường xung quanh.

Với những trẻ có hệ miễn dịch hoàn thiện chậm tức là có ít khả năng đề kháng, chống lại các tác nhân gây bệnh bên ngoài sẽ hay bị ốm hơn. Hệ miễn dịch càng kém trẻ càng dễ mắc bệnh, đặc biệt là các bệnh đường hô hấp mà cha mẹ thường gọi chung là ốm vặt.

Hệ tiêu hóa kém

Khi hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động kém, thức ăn sẽ không được tiêu hóa hiệu quả. Hơn nữa, hệ tiêu hóa hoạt động kém sẽ khiến hệ vi khuẩn đường ruột không cân bằng. Tất cả những điều này đều ảnh hưởng đến việc hấp thụ dinh dưỡng vào cơ thể của trẻ.

Khi trẻ không thể hấp thụ đủ dinh dưỡng, các cơ quan sẽ hoạt động kém hơn và dễ phát sinh nhiều bệnh.

Chán ăn, biếng ăn, ăn không ngon miệng

Cũng giống như người lớn, trẻ cần ăn uống để lấy năng lượng cho các hoạt động. Nhưng nếu là đứa trẻ có sức khỏe kém, hay mệt mỏi, dễ bị ốm thì chúng cũng không thiết gì ăn uống. Bởi vậy, nếu thấy trẻ thể hiện dấu hiệu chán ăn, biếng ăn thì các mẹ nên chú ý theo dõi vì như vậy rất có thể trẻ bị thiếu dinh dưỡng, sức đề kháng kém, dễ bị tác động bởi các yếu tố dẫn đến ốm yếu.

Những bệnh trẻ em thường gặp

Bệnh do virus hợp bào hô hấp (RSV)

Đây là một trong những nguyên nhân gây bệnh đường hô hấp thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, là nguyên nhân dẫn tới các bệnh viêm tiểu phế quản, viêm phổi ở trẻ em.  Triệu chứng của căn bệnh này thường giống với cảm cúm gồm sốt, chảy nước mũi, ho. 40% các trường hợp nhiễm RSV có triệu chứng tiến triển thành khò khè dẫn tới viêm tiểu phế quản hay viêm phổi rất nguy hiểm. RSV thường không gây bệnh trọng ở trẻ lớn hoặc người lớn.

Viêm tai

Trẻ nhỏ thường dễ bị viêm  tai vì ống thính giác của trẻ rất nhỏ, vòi nhĩ ngắn làm virus, vi khuẩn dễ xâm nhập... Có rất nhiều dạng viêm tai như viêm ống tai, viêm tai ngoài hay  viêm tai giữa.  Các triệu chứng của trẻ bao gồm sốt, quấy khóc, buồn nôn, đau trong tai hoặc  khi kéo tai. ....  Nhiều bệnh viêm tai là do virus, tuy nhiên hiện nay đã có vaccin tiêm chủng cho trẻ em giúp ngăn ngừa bệnh viêm tai  do một số vi khuẩn gây nên.

Bệnh viêm thanh, khí phế quản ở trẻ em

Đây là một bệnh phổ biến ở trẻ, nó gây ra tình trạng phù nề các thanh, khí quản cản trở đường dẫn khí gây khó thở. Bệnh này xảy ra chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi. Các triệu chứng của bệnh thường là  ho, sốt, thở rít, nhiều bé còn khó thở. Bệnh này khiến nhiều bậc cha mẹ lo lắng nhưng có thể điều trị trong khoảng 1 tuần.

Bệnh chân tay miệng

Bệnh tay-chân-miệng thường do virus coxsackie A16 gây ra, bệnh rất dễ lây thành dịch, xuất hiện chủ yếu từ mùa hè đến đầu mùa thu. Bệnh có biểu hiện trẻ bị sốt, xuất hiện các mụn nước ở bên trong miệng, lòng bàn tay, mông, và lòng bàn chân. Bệnh tay chân miệng có thể phòng được bằng cách vệ sinh thật tốt, thường xuyên rửa tay chân và đồ chơi của trẻ. Hầu hết các trường hợp không nghiêm trọng và sẽ khỏi sau một tuần đến 10 ngày.

Đau mắt đỏ

Đây là căn bệnh phổ biến mà nhiều trẻ mắc phải, nó dễ lây lan trong mùa dịch. Đau mắt đỏ thường có nguyên nhân do virus. Theo các bác sĩ, hầu hết các trường hợp sẽ khỏi sau 4-7 ngày, cần tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa về việc con em mình có cần phải điều trị khi bị đau mắt hay không.

Ban đỏ nhiễm khuẩn cấp

Thường có triệu chứng là phát ban màu đỏ trên mặt, có thể  xuất hiện trên thân, cánh tay và chân. Thủ phạm chính là do parvovirus, một loại virus có thể gây ra triệu chứng giống cảm lạnh trước khi xuất hiện ban, bệnh cũng dễ lây, nhưng một khi phát ban xuất hiện, đứa trẻ thường là không còn bị lây nhiễm. Ban thường biến mất trong vòng từ 7 đến 10 ngày.

Rotavirus

Trước khi có vắc xin, đây là căn bệnh gây tử vong hàng đầu ở trẻ em với các triệu chứng chính là tiêu chảy, nôn. Hầu hết các trường hợp nhiễm rotavirus tử vong là do em bé bị mất nước. Khi nghi ngờ nhiễm rotavirus cần đưa trẻ cấp cứu tại viện. Hiện có hai loại vắc-xin rotavirus cho trẻ sơ sinh, các nghiên cứu cho biết kể từ khi vắc xin ra đời, số trẻ mắc tiêu chảy do rotavirus sụt giảm đáng kể.

Thủy đậu

Thủy đậu là một bệnh do virus với các biểu hiện lâm sàng là các mụn nước  gây ngứa, bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc xin. Thủy đậu có thể gây biến chứng nguy hiểm ở trẻ sơ sinh, người lớn, phụ nữ có thai. Trước kia khi chưa có vắc xin, mỗi năm có tới 11.000 người Mỹ nhập viện vì căn bệnh này.

Bệnh sởi

Nếu con bạn đã được tiêm vắcxin bạn không phải lo lắng về bệnh này. Gần đây sởi xuất hiện trở lại ở một số quốc gia, mà nguyên nhân là do trẻ không được tiêm phòng. Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC ) đã cảnh cáo về xuất hiện dịch sởi ở trẻ chưa được tiêm phòng. Các triệu chứng ban đầu thường là  sốt, chảy nước mũi, ho sau đó phát ban toàn. Hầu hết trẻ em thường khỏi bệnh sau 2 tuần, nhưng một số bị biến chứng vào phổi và một số cơ quan khác.

Quai bị

Quai bị là một bệnh rất phổ biến ở trẻ em trước khi vắc-xin xuất hiện. Các nhiễm trùng thường không có triệu chứng, mà chủ yếu là sưng hạch giữa tai và hàm. Điều nguy hiểm của căn bệnh này là có thể gây biến chứng viêm tinh hoàn dễ dẫn đến vô sinh về sau hoặc bệnh như điếc... .

Rubella (sởi Đức)

Rubella, còn gọi là bệnh sởi Đức, do một loại virus gây nên, thường không gây vấn đề nghiêm trọng tới sức khỏe trẻ. Tuy nhiên, nó có thể gây hại cho thai nhi nếu một người phụ nữ mắc bệnh trong thời kỳ  thai nghén. Bệnh có các triệu chứng là sốt nhẹ và phát ban lây lan từ mặt với phần còn lại của cơ thể. Hiện đã có vắc xin phối hợp bảo vệ chống lại cả 3 bệnh sởi, quai bị và rubella

Ho gà

Ho gà là bệnh do nhiễm trùng cấp tính ở đường hô hấp, thường gặp ở trẻ em. Trẻ có triệu chứng ho, có đờm, nôn, thở rít, có thể xuất huyết .... Trẻ có biến chứng viêm phổi hoặc thần kinh . Nếu trẻ bị bệnh cần cách ly, trường hợp nặng bắt buộc phải được điều trị tại bệnh viện. Tuy nhiên bệnh ho gà hiện nay cũng có vắcxin phòng ngừa.

Viêm màng não

Viêm màng não là tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng các mô xung quanh não và tủy sống. Ở tuổi thiếu niên hoặc người lớn có các triệu chứng như đau đầu, sốt, cứng cổ. Trẻ nhỏ có thể có những triệu chứng giống như cúm hoặc khó chịu quấy khóc. Vắcxin hiện nay có thể ngăn chặn được một số chủng phổ biến gây bệnh viêm màng não. Bệnh viêm màng não cực kỳ nguy hiểm vì những biến chứng của nó thường ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống của trẻ.

Viêm họng

Đây là bệnh mà hầu hết trẻ em trên thế giới đều từng mắc phải, thường là do virus hoặc vi khuẩn gây bệnh. Bệnh có triệu chứng nuốt đau, đau họng, sưng họng, sốt.... Tuy nhiên triệu chứng đau họng xuất hiện ở nhiều bệnh khác nhau nên dễ nhầm lẫn. Mặc dù bệnh viêm họng có thuốc điều trị khỏi nhưng bố mẹ cần đưa trẻ đi khám để tìm tận gốc căn nguyên gây bệnh để điều trị hiệu quả.

Bệnh về da

Bệnh chốc lở là một nhiễm trùng da do vi khuẩn, hay gặp ở trẻ từ 2 đến 6 tuổi. Nó thường gây ra các cụm mụn nước nhỏ trên da và rỉ nước và tạo thành một lớp vỏ vàng. Khi chạm vào chất lỏng có thể lây nhiễm sang các phần khác của cơ thể hoặc người khác. Bệnh này có nguyên nhân do vi khuẩn tụ cầu nhưng cũng có thể gây ra bởi liên cầu khuẩn. Sau điều trị bằng kháng sinh, các vết loét thường lành mà không để lại sẹo.

Nấm

Là một nhiễm trùng da, thường có vảy, hay gặp trên da hoặc trên đầu. Nấm dễ lây từ trẻ này sang trẻ khác, nên những người chăm sóc cần lưu ý cách ly những trẻ mắc bệnh, cần dùng riêng bàn chải, khăn tắm, quần áo. Bệnh này có thể được điều trị bằng thuốc kháng nấm.

Cúm

Nhiều người khó phân biệt giữa cảm lạnh và cảm cúm? Điều này rất đúng bởi chúng có chung triệu chứng. Cúm thường gây sốt cao, ớn lạnh, đau nhức cơ thể, mệt mỏi, buồn nôn hoặc nôn. Bệnh cúm đặc biệt nguy hiểm với trẻ vì có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi. Cơ quan y tế Mỹ khuyến cáo mọi người nên tiêm vắcxin phòng cúm hàng năm, trẻ từ 6 tháng trở lên có thể chủng ngừa cúm.

Dị ứng theo mùa

Đây không phải là một bệnh nhiễm trùng, con người thường phản ứng với các hạt cực nhỏ như phấn hoa, bụi... . nhất là khi bắt đầu vào mùa xuân hoặc mùa thu. Các triệu chứng bao gồm hắt hơi, chảy nước mắt, chảy nước mũi, nghẹt mũi .... Trẻ em có thể liên tục chà xát mũi của chúng bằng lòng bàn tay. Mặc dù không có cách chữa cho dị ứng theo mùa, nhưng bác sĩ có thể giúp người bệnh kiểm soát các triệu chứng đó.

Làm thế nào khi trẻ mắc bệnh?

- Nếu trẻ bị ốm, điều quan trọng nhất cần làm là lắng nghe nhu cầu của trẻ. 

- Giữ cho phòng thông thoáng không bị gió lùa. 

- Cho trẻ uống nhiều nước. Những ngày đầu không nên ép trẻ ăn nếu trẻ không muốn sau đó dần dần khuyến khích trẻ ăn.

- Cố gắng dành cho thời gian trò chuyện, vui chơi, đọc truyện để trẻ thấy thoải mái hơn.

- Trẻ bị ốm sẽ rất mệt mỏi và cần được nghỉ ngơi nhiều. Khuyến khích con bạn ngủ khi chúng cần.

- Nếu con bạn bị bệnh truyền nhiễm, hãy cách ly con bạn với những đứa trẻ khác và những người lớn dễ mắc bệnh để ngăn ngừa bệnh lây lan. 

- Đưa trẻ đi khám bác sĩ nếu cần thiết, không tự ý cho trẻ dùng thuốc mà phải tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những cách giúp trẻ luôn khỏe mạnh

Ăn uống đủ chất

Để tăng sức đề kháng cho bé, các mẹ cần xây dựng thực đơn với những nhóm thực phẩm giàu canxi, vitamin. Bữa ăn của trẻ phải được đảm bảo đủ chất dinh dưỡng. Một bữa ăn của con nên được bổ sung thêm nước cam, hoa quả, sữa chua; tăng cường thực phẩm chứa kẽm và selen - 2 vị chất có tác dụng nâng cao sức đề kháng, kích thích ăn uống ngon miệng, tăng khả năng hấp thu dưỡng chất như: thịt bò, hàu sữa, đậu nành, giá đỗ, bí đỏ, lạc... Với trẻ sơ sinh nên cho bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.

Bữa ăn của trẻ chỉ nên kéo dài khoảng 20-25 phút. Với những trẻ biếng ăn, không nên bế trẻ đi rong ngoài đường để ăn, mà nên dỗ trẻ, tạo không khí vui vẻ trong bữa ăn. Nên cho trẻ ăn thành nhiều bữa, thức ăn cần chế biến mềm hơn, dễ tiêu hóa hơn, mùi vị thơm ngon, hợp khẩu vị. Nên kiên nhẫn, dỗ dành trẻ, tránh ép trẻ ăn làm trẻ sợ hãi. Cho trẻ uống đủ nước, có thể từ sữa, nước trái cây,...

Để tăng sức đề kháng cho bé, cần xây dựng thực đơn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng.

Điều cần thiết là, điều chỉnh khẩu phần ăn của trẻ cân đối, đầy đủ các chất dinh dưỡng theo tuổi. Sắp xếp hợp lý khoảng cách giữa các bữa ăn cho trẻ: 2 bữa chính nên cách nhau khoảng 3-4 giờ, bữa chính cách bữa phụ khoảng 2 giờ. Lựa chọn và chế biến thức ăn phù hợp với lứa tuổi của trẻ, thường xuyên thay đổi món ăn và chọn món trẻ ưa thích. Khi thay đổi thức ăn cho trẻ các mẹ cần thay đổi từ từ, xen kẽ giữa thức ăn mới và thức ăn cũ mà trẻ yêu thích.

Nếu trẻ có phản xạ sợ khi nhìn thấy thức ăn, cần phải cắt dần phản xạ đó bằng cách không ép trẻ mà cho trẻ chơi, làm quen dần với dụng cụ chứa thức ăn và thức ăn. Luôn luôn cho trẻ ăn đúng bữa, trong bữa ăn cần tập trung, không nên vừa ăn vừa chơi như xem hoạt hình, chơi điện tử... không nên cho trẻ ăn quà vặt.

Không nhồi nhét, ép buộc trẻ ăn vì có thể bữa này trẻ ăn ít bữa sau trẻ sẽ ăn bù. Không cho trẻ uống hoặc ăn đồ ngọt trước bữa ăn chính sẽ làm cho trẻ giảm cảm giác ăn ngon miệng. Không được để trẻ nhịn đói vì nhiều người cho rằng để trẻ đói quá sẽ phải ăn, nhưng thực tế khi trẻ đói quá sẽ mệt mỏi và lại càng không muốn ăn. Cho trẻ vận động nhiều ngoài trời làm bé có cảm giác đói và ăn ngon miệng hơn.

Chăm sóc giấc ngủ

Trẻ nhỏ khi ngủ thường hay đạp tung chăn, hở chân, hở bụng... Điều này sẽ khiến bé bị lạnh bụng, dẫn đến ho, viêm phổi, đau bụng hoặc rối loạn tiêu hóa... Thế nhưng không ai có thể thức cả đêm để kéo áo, che bụng cho con... Vì vậy, trước khi trẻ đi ngủ, nên cho trẻ mặc loại áo liền quần rộng rãi hoặc cho trẻ đắp chăn túi và đi tất cho trẻ đề phòng trẻ bị nhiễm lạnh.

Đối với trẻ sơ sinh, đầu là nơi tạo ra khoảng 40% thân nhiệt, nhưng đồng thời lại là nơi giải phóng đến 85% nhiệt độ cơ thể. Chính vì vậy, việc đội mũ và dùng băng quấn thóp là cần thiết với bé mới sinh (đặc biệt là các bé sinh non) nhưng với bé khỏe mạnh và đã được vài tháng tuổi, việc đội mũ khi ngủ là không cần thiết, mà ngược lại sẽ khiến nhiệt độ vùng đầu của bé tăng cao, ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của não bộ.

Vệ sinh thân thể hàng ngày

Trời mùa đông, các mẹ hay sợ bé lạnh nên thường hạn chế tắm cho bé. Tuy nhiên, đây là một sai lầm phổ biến. Với trẻ mới sinh đến 1 tuần tuổi thì việc tắm hàng ngày rất cần thiết, vì lúc này cơ thể trẻ vẫn còn nhiều chất gây bám, nếu không được tắm sạch trẻ dễ bị bít lỗ chân lông, gây viêm nhiễm. Với trẻ lớn hơn thì cùng lắm là 2 ngày tắm 1 lần, vì nếu không được tắm rửa sạch sẽ, bé rất khó chịu, quấy khóc và chậm lớn. Khi tắm cho bé, cần chú ý đóng kín cửa phòng, không đặt chậu tắm ở nơi có gió lùa, nếu dùng quạt sưởi thì nên bật trước đó khoảng 5 phút cho nhiệt độ trong phòng tắm ấm lên. Nhiệt độ nước để tắm cho trẻ bằng với nhiệt độ cơ thể (36-37oC). Nguyên tắc quan trọng khi tắm cho trẻ lúc trời trở lạnh là tắm từ dưới lên trên. Rửa chân cho bé đầu tiên, sau đó tắm dần lên trên. Gội đầu thật nhanh cho bé sau khi tắm để tránh bị lạnh.

Bài nổi bật

Tin hay đừng bỏ lỡ

TIN MỚI TRONG NGÀY