Bệnh tim mạch - Nguyên nhân gây tử vong hàng đầu

Tổng quan bệnh tim mạch

Trong bối cảnh hiện nay, bệnh tim mạch đã trở thành bệnh lý gây tử vong số một trên thế giới. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2015, hàng năm ước tính có tới 17,5 triệu người trên thế giới tử vong do bệnh tim mạch, trong đó chủ yếu là các bệnh tim mạch do xơ vữa.

Các bệnh lý tim mạch có thể chia thành 2 nhóm chính: bệnh tim mạch do xơ vữa mạch máu (hoặc liên quan đến xơ vữa) như bệnh động mạch vành, mạch não, mạch ngoại vi và các vi mạch… và bệnh tim mạch không do xơ vữa (ví dụ: bệnh tim bẩm sinh, bệnh tim liên quan đến nhiễm trùng….). Trong hai nhóm trên, bệnh tim mạch liên quan đến xơ vữa động mạch hiện đang trở thành nhóm bệnh lý chiếm tỷ lệ cao nhất và thường gặp nhất trong cộng đồng.

Hằng năm có khoảng 17,9 triệu người chết do bệnh tim mạch, chiếm 31% tổng số tử vong, trong đó có tới 85% chết do nguyên nhân bệnh động mạch vành hoặc đột quỵ não.

Tại Việt Nam, năm 2016, theo thống kê của WHO, bệnh tim mạch đã trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Trong số 77% nguyên nhân tử vong do bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam thì có tới khoảng gần 70% tử vong do bệnh tim mạch.

Nguyên nhân gây bệnh

Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh tim mạch. Đầu tiên phải nói đến đó là hoạt động quá tải của quả tim bao gồm các bệnh lý về van tim, bệnh tim bẩm sinh, bệnh cơ tim, tăng huyết áp; các rối loạn nhịp tim do rối loạn hệ dẫn truyền trong tim bẩm sinh hoặc mắc phải.

Thói quen ăn uống sinh hoạt như: hút thuốc lá, chế độ ăn uống nhiều muối, chất béo và cholesterol; ít vận động, ít hoạt động thể dục thể thao; thừa cân, béo phì hoặc do căng thẳng kéo dài... cũng làm gia tăng mắc bệnh tim mạch.

Bên cạnh đó, một số bệnh lý khác cũng có thể gây bệnh tim mạch, như: tăng huyết áp có thể dẫn đến xơ cứng và dày thành các động mạch, thu hẹp các mạch máu; tăng cholesterol máu gây hình thành các mảng xơ vữa động mạch; đái tháo đường; tuổi tác cao dẫn đến tăng nguy cơ hẹp động mạch, suy yếu hoặc phì đại động mạch; hay do yếu tố gia đình (trong gia đình đã có người mắc bệnh tim).

Xơ vữa động mạch - một nguyên nhân gây bệnh tim nghiêm trọng.

Các dấu hiệu cơ bản nhận biết

Bệnh tim mạch là các tình trạng liên quan đến sức khỏe của trái tim, làm suy yếu khả năng làm việc của tim. Bệnh gây hẹp, xơ cứng và tắc nghẽn mạch máu, làm gián đoạn hoặc không cung cấp đủ ôxy đến não và các bộ phận khác trong cơ thể. Từ đó khiến các cơ quan bị ngừng trệ hoạt động, phá hủy từng bộ phận dẫn đến tử vong. Các bệnh tim mạch thường gặp là: bệnh động mạch vành, bệnh cơ tim, bệnh lý van tim, loạn nhịp tim và suy tim...

Khó thở: Một số vấn đề liên quan tới tim mạch sẽ có thể khiến người bệnh thường xuyên có cảm giác khó thở, mệt mỏi khi di chuyển hoặc khi chạy, tập thể dục... Hiện tượng khó thở có nhiều nguy cơ là dấu hiệu của căn bệnh suy tim, thường xảy ra khi trái tim giảm khả năng cung cấp máu theo nhu cầu của cơ thể. Khó thở xuất hiện từ từ, tăng lên khi người bệnh gắng sức, có thể khó thở cả khi nằm nghỉ. Cùng với đó, bệnh nhân có thể bị phù; triệu chứng phù do bệnh tim mạch thường là phù tím, phù mềm, dấu hiệu bắt đầu từ 2 bàn chân kèm theo tình trạng gan to, tĩnh mạch cổ nổi, đi tiểu ít.

Khó chịu ở ngực hoặc đau thắt ngực: Đây là một trong những dấu hiệu phổ biến mà người mắc bệnh tim thường mắc phải. Bệnh gây nên cảm giác tim bị đè nén, bóp nghẹt, nặng ngực, khó thở... Cơn đau thường lan ra hàm, vai, tay và còn có thể kèm theo hiện tượng nôn, ói, vã mồ hôi, chóng mặt.

Đánh trống ngực hoặc nhịp tim nhanh, chậm bất thường. Cảm thấy hoa mắt chóng mặt, choáng váng thường gặp ở bệnh nhân tim mạch lớn tuổi.

Bệnh nhân còn có triệu chứng thường xuyên mệt mỏi, kiệt sức, thậm chí kiệt sức ngay cả khi thực hiện các hoạt động thường ngày. Hay bệnh nhân bị ho dai dẳng, khò khè do tim bơm máu không đủ để cung cấp cho cơ thể khiến máu bị ứ lại. Dịch ứ ở phổi lâu ngày gây tình trạng ho mạn tính, thở khò khè.

Người bệnh mắc bệnh lý tim mạch có thể hay xuất hiện ngất xỉu (sự mất tạm thời hoặc đột ngột của ý thức). Đây là dấu hiệu nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng. Một số bệnh lý tim mạch khiến bệnh nhân có thể ngất xỉu, bao gồm: ngất do nhịp tim chậm, hội chứng nhịp nhanh - nhịp chậm, hạ huyết áp tư thế, hẹp van động mạch chủ, hẹp động mạch phổi…

Ngay khi có những dấu hiệu trên, cần đi khám sớm để được chẩn đoán bệnh và điều trị kịp thời.

Phòng ngừa

Ở mọi lứa tuổi

Cần thực hiện các chế độ ăn khỏe mạnh và hoạt động thể lực phù hợp luôn có những lợi ích đáng kể. Cụ thể như sau:

Về chế độ ăn: Hạn chế ăn các thực phẩm có chứa các thành phần sau: chất béo bão hòa, muối, đường ngọt, thịt đỏ (như thịt bò hoặc thịt heo). Nếu có ăn thịt thì không nên ăn thường xuyên và chỉ nên ăn thịt nạc. Nên ăn nhiều rau quả và trái cây, ngũ cốc giàu chất xơ, cá (nếu được thì dùng dầu cá hơn 2 lần/tuần), các loại quả hạch (như hạnh nhân, đào,...), hạt đậu.

Về hoạt động thể lực: Nên vận động thể lực trung bình - nặng (ví dụ đi bộ nhanh) ít nhất 150 phút mỗi tuần hoặc vận động thể lực nặng (ví dụ chạy bộ) ít nhất 75 phút mỗi tuần, hoặc có thể kết hợp cả hai. Bên cạnh đó, nên dành tối thiểu 2 ngày trong tuần để hoạt động rèn luyện tất cả các nhóm cơ quan trọng (ở vùng chân, hông, lưng, bụng, ngực, vai).

Khi nhận thấy các dấu hiệu như đau ngực, khó thở, tê tay chân... cần đi khám ngay.

Ở độ tuổi 20-30

Nếu đang ở tuổi này thì ngoài việc có chế độ ăn lành mạnh việc hoạt động thể lực càng phải tích cực hơn. Ngoài ra, cần phải tránh xa thuốc lá do những tác hại của nó. Không những thế, nếu thấy có người khác hút thuốc lá thì nên tránh xa vì hít phải khói thuốc lá từ người khác còn độc hại hơn so với việc tự mình hút.

Ở độ tuổi 30-40

Ở độ tuổi này thường dành hầu hết thời gian cho gia đình và sự nghiệp, do đó cần lưu ý những điểm sau: Tạo thói quen lành mạnh cho gia đình, khuyến khích con hoạt động thể lực cũng như làm quen với chế độ ăn lành mạnh. Quản lý stress (về mặt tinh thần và thể chất) của bản thân do stress có thể gây tăng nhịp tim và tăng huyết áp dẫn tới tổn thương thành động mạch. Việc quản lý stress không những có lợi cho cơ thể mà còn tăng chất lượng sống.

Ở độ tuổi 40-50

Bắt đầu từ tuổi 40 trở lên dễ tăng cân do chuyển hóa cơ thể đang có xu hướng chậm lại và dĩ nhiên việc này không có lợi cho cơ thể. Để tránh tăng cân, cần giữ chế độ ăn khỏe mạnh và phải tập thể dục thường xuyên hơn nữa. Thời điểm này nên bắt đầu chú ý tới việc kiểm tra sức khỏe thường xuyên về huyết áp, mỡ máu, đường máu. Từ năm 45 tuổi trở lên, nên được kiểm tra đường huyết đói mỗi 1 năm 1 lần.

Khi ngủ ngáy nhiều, nên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra loại trừ tình trạng ngưng thở lúc ngủ, vốn là một nguyên nhân gây tăng huyết áp và có nguy cơ gây bệnh lý tim mạch.

Ở độ tuổi 50-60

Ở độ tuổi này, chúng ta có thể thấy bản thân có những dấu hiệu già đi. Do tuổi tác cũng có ảnh hưởng xấu lên tim mạch nên thời điểm này càng cần phải chú ý nhiều hơn: Giữ chế độ ăn có lợi cho tim mạch như đã mô tả ở trên. Nhận biết những dấu hiệu gợi ý bệnh lý tim mạch nguy hiểm như: đau ngực, khó thở, tê tay chân, yếu hoặc liệt nửa người đột ngột, nói ú ớ... Có thể tự tìm hiểu thêm các dấu hiệu nghi ngờ của bệnh nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ để có thể nhập viện sớm nhất khi có các dấu hiệu này. Nhập viện càng sớm thì càng có thể xử trí tốt hơn. Nếu đang điều trị các bệnh lý như đái tháo đường, tăng huyết áp hay rối loạn mỡ máu thì phải tuân thủ điều trị để giảm đáng kể nguy cơ biến cố bệnh lý tim mạch.

Ở độ tuổi từ 60 trở lên

Tuổi càng cao thì nguy cơ bệnh tim mạch càng lớn. Ở tuổi này càng cần phải chú ý tới những biện pháp giảm thiểu nguy cơ tim mạch như đã mô tả trước đó, đặc biệt là tuân thủ điều trị của bác sĩ, giữ chế độ ăn uống lành mạnh và vận động thể lực phù hợp.

Bài nổi bật

Tin hay đừng bỏ lỡ

TIN MỚI TRONG NGÀY