Bệnh dạ dày và những điều quan trọng cần biết

Tổng quan bệnh dạ dày

Bệnh dạ dày là căn bệnh dường như đã quá quen thuộc trong cuộc sống hiện nay. Tại nước ta, tỷ lệ người mắc bệnh  viêm dạ dày đang gia tăng một cách đáng báo động. Bất cứ ai, người lớn trẻ nhỏ, nam hay nữ, đều có nguy cơ mắc phải bệnh này.

Theo Hội khoa học Tiêu hóa, tại Việt Nam, 70% dân số nước ta có nguy cơ mắc bệnh dạ dày, nguy cơ mắc viêm loét dạ dày ở nam giới gấp 4 lần so với nữ, có tới 26% dân số mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng.

Bệnh dạ dày vốn được coi là không nguy hiểm nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời theo đúng phác đồ điều trị. Tuy nhiên, do nhiều người quan niệm điều trị bệnh dạ dày mất nhiều thời gian, bệnh dai dẳng không khỏi, ngoài ra lại cho rằng thuốc tây dùng nhiều gây hại cho cơ thể vì thế  nhiều người bỏ dở giữa chừng.

Vì thế, nhiều người để tình trạng bệnh kéo dài sẽ gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh, thậm chí dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như loét dạ dày, thủng dạ dày thậm chí ung thư dạ dày.

Ghi nhận của tổ chức ung thư thế giới (GLOBOCAN) năm 2012,  có khoảng 952.000 ca ung thư dạ dày mới mắc, đứng hàng thứ 5 trong các bệnh ung thư hay gặp sau ung thư phổi, vú, đại trực tràng, tiền liệt tuyến. Ở Việt Nam, đa số các bệnh nhân ung thư dạ dày được phát hiện ở giai đoạn muộn, tỷ lệ sống sau 5 năm chưa cao.

Các bệnh thường gặp ở dạ dày như:

Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Xuất huyết dạ dày (chảy máu dạ dày)

Viêm hang vị dạ dày

Nhiễm vi khuẩn Hp dạ dày

Ung thư dạ dày

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra bệnh ở dạ dày có rất nhiều như: Ăn uống, sinh hoạt, stress, mất ngủ, lo âu, trầm cảm, do dùng thuốc (như thuốc aspirin, thuốc điều trị khớp, thậm chí cả thuốc đông y)… Những bệnh nhân có tiền sử gia đình mắc bệnh dạ dày (như ung thư dạ dày, hay đã từng nhiễm vi khuẩn HP gây viêm dạ dày mạn tính hoặc có loạn sản, dị sản niêm mạc dạ dày...) cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Dấu hiệu

Dấu hiệu đầu tiên của bệnh lý dạ dày là đau. Thường đau ở vùng thượng vị, có thể đau âm ỉ hoặc quặn thành cơn, đau có thể liên quan tới bữa ăn (đói-đau, no-đau), đau có thể liên quan tới một số loại thức ăn hoặc đồ uống và liên quan tới mùa như mùa đông thường đau hơn mùa hè... Các triệu chứng khác cũng thường gặp như cảm giác đầy bụng, khó tiêu, ợ hơi, ợ nóng, ợ chua... đặc biệt là ở một số bệnh lý hay gặp như viêm loét dạ dày tá tràng hoặc trào ngược dạ dày thực quản.

Phòng bệnh

Để không mắc các bệnh về dạ dày nên tránh:

Ăn các thức ăn có nhiều muối hoặc thức ăn hun khói, chế độ ăn ít rau và hoa quả. Chế độ ăn này sẽ làm tăng tình trạng viêm dạ dày, gây viêm mạn tính niêm mạc dạ dày và cũng là tiền đề tạo các tổn thương loạn sản hoặc dị sản, ung thư ở dạ dày.

Tránh sử dụng sử dụng rượu, bia, đồ uống kích thích (cà phê), thuốc lá... Bởi có thể gây nên các đợt viêm dạ dày cấp và đặc biệt, thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ ung thư.

Sinh hoạt: Stress do công việc, mất ngủ là những yếu tố nguy cơ cao làm gia tăng bệnh lý về dạ dày tá tràng, cần tránh.

Những bệnh nhân có sử dụng các loại thuốc ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày (các thuốc giảm đau chống viêm NSAID, thuốc điều trị bệnh tim mạch, thuốc điều trị bệnh khớp) là những đối tượng có nhiều  nguy cơ mắc bệnh ở dạ dày tá tràng... cần được theo  dõi để sàng lọc.

Những bệnh nhân có viêm dạ dày do vi khuẩn HP, viêm dạ dày mạn tính, polyp dạ dày hoặc bệnh nhân có thiếu máu do rối loạn hấp thu vitamin B12 đều cần được thăm khám và theo dõi sát.

Bài nổi bật

Tin hay đừng bỏ lỡ

TIN MỚI TRONG NGÀY