Các vấn đề về tóc và cách khắc phục

Tổng quát

Ông bà ta thường nói: “Cái răng cái tóc là góc con người”. Tóc không chỉ tạo nên vẻ đẹp mà còn thể hiện sức khỏe con người. Người khỏe mạnh sẽ sở hữu một mái tóc bóng đẹp, mượt mà nhưng khi có vấn đề sức khỏe thì tóc có thể thay đổi và thậm chí gãy rụng…

Một người bình thường có từ 100.000 đến 200.000 sợi tóc, trong đó khoảng 90% tóc luôn luôn ở giai đoạn phát triển và kéo dài từ 2-6 năm; khoảng 10% ở giai đoạn không mọc dài thêm nữa từ 2-3 tháng.

Theo thời gian, tóc cũng có thể bị bệnh hoặc già đi và quá trình này sẽ tăng tốc với sự góp mặt của nhiều yếu tố tác động từ bên ngoài như hóa chất, ánh nắng, chế độ dinh dưỡng…

Sấy, duỗi, uốn, nhuộm nhiều lần sẽ gây tổn hại cho tóc, khiến tóc giòn, dễ gãy. Tóc chẻ ngọn và tóc khô là hai biểu hiện thường gặp của tóc đã bị hư tổn nặng do làm tóc quá mức.

Các vấn đề về tóc

Tóc gàu

Khi bị đầu bị gàu sẽ có một số biểu hiện sau: da đầu ngứa, xuất hiện các vảy trắng,… Các vảy trắng này lâu dần sẽ tích tụ trên tóc, trên vai và trở nên tồi tệ hơn vào mùa thu hay mùa đông, khi mà có không khí lạnh và khô.

Gàu có thể gặp ở mọi lứa tuổi và ở cả hai giới, tuy nhiên, đàn ông dễ bị gàu hơn phụ nữ. 

Biện pháp khắc phục:

Thường xuyên cung cấp độ ẩm cho da đầu giúp làm giảm tình trạng ngứa ngáy, giảm gàu.

Chăm chỉ gội đầu để giữ cho đầu luôn sạch sẽ, giảm gàu, cũng như giảm tối đa việc gãi gây tổn thương da đầu. 

Tránh sử dụng hóa chất trên tóc vì chúng rất dễ gây kích ứng da đầu và dẫn đến ngứa. 

Giảm thiểu tình trạng căng thẳng và bảo vệ da đầu trước khói bụi…

Tóc bạc

Các nhà khoa học đã tiến hành nhiều nghiên cứu để điều tra nguyên nhân tóc chuyển sang màu xám hay bạc. Tóc có màu sắc nhờ một sắc tố gọi là melanin được tạo ra bởi tế bào sắc tố trong các nang lông. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, tế bào sản xuất melanin chịu đựng những tổn thương tích lũy qua nhiều năm và cuối cùng chúng không thể sản xuất melanin.

Các nghiên cứu đã chỉ ra sự hư hại trong ADN và tích tụ hydrogen peroxide trong các nang lông là nguyên nhân gây ra sự gián đoạn tiến trình sản xuất melanin. Nếu không có melanin, tóc mới mọc không có sắc tố, khi đó tóc sẽ có màu xám, trắng hoặc bạc.

Ở một số người, tóc bắt đầu chuyển thành màu xám bạc sớm nhất là ở tuổi thanh thiếu niên. Vì màu tóc xám bạc được di truyền, nên nếu bố mẹ bạn có tóc chuyển màu xám bạc từ khi còn trẻ, bạn cũng có nguy cơ cao mắc phải tình trạng này. Nếu bạn không thích tóc có màu này, bạn có thể dễ dàng khắc phục vấn đề với các loại thuốc nhuộm tóc khác nhau có sẵn.

Tóc rụng 

Thông thường, tóc sẽ mọc trong giai đoạn phát triển kéo dài từ 2–6 năm hoặc lâu hơn. Đến giai đoạn về già kéo dài khoảng 3 tháng, tóc không biến đổi nhiều. Vào cuối giai đoạn, tóc rụng được thay thế bởi mái tóc mới.

Trung bình mỗi ngày chúng ta sẽ rụng khoảng 50-100 sợi tóc. Đây là quá trình rụng tóc sinh lý bình thường của cơ thể. Tuy nhiên, nếu bạn gặp hiện tượng tóc bị rụng bất thường với số lượng tóc rụng lớn hơn 100 sợi/ngày, nhất là khí gội đầu, mới ngủ dậy, lúc vuốt tóc, chải đầu tóc rụng nhiều hơn bình thường, hoặc có thể rụng tóc thành mảng… thì hẳn bạn đang có dấu hiệu của chứng rụng tóc.

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến chứng rụng tóc khác nhau như: thay đổi nội tiết tố, rối loạn tuyến giáp, cơ thể mệt mỏi căng thẳng, thiếu hụt dinh dưỡng hay sử dụng một số loại thuốc…

Biện pháp khắc phục

Nếu bạn đang gặp phải tình trạng rụng tóc thì việc đầu tiên bạn nên làm chính là thử chuyển qua một số loại dầu gội trị rụng tóc nhằm bổ sung dưỡng chất, làm sạch bụi bẩn cùng lượng dầu thừa bán và tích tụ trên da đầu.

Tóc hư tổn

Sấy, duỗi, uốn, nhuộm nhiều lần sẽ gây tổn hại cho tóc, khiến tóc giòn, dễ gãy. Tóc chẻ ngọn và tóc khô là hai biểu hiện thường gặp của tóc đã bị hư tổn nặng do làm tóc quá mức.

Tạo kiểu tóc và làm tóc quá nhiều sẽ gây ra chẻ ngọn, tình trạng này xảy ra khi lớp ngoài cùng của tóc bị tổn hại. Một số phương pháp điều trị tóc chẻ ngọn bao gồm:

- Chải nhẹ nhàng với lược mềm

- Tránh dùng khăn làm khô tóc. Nếu dùng khăn, bạn nên massage tóc với khăn nhẹ nhàng

- Sử dụng dầu xả mỗi ngày và nên ủ tóc khoảng một lần một tuần.

Tóc cần độ ẩm và một lượng dầu nhất định để duy trì sự khỏe mạnh. Bạn cần tránh các thói quen không tốt khiến tóc khô như:

- Gội đầu quá thường xuyên

- Sử dụng dầu gội có chất tẩy mạnh

- Sấy, duỗi tóc nhiều lần

- Tiếp xúc với nắng, gió và không khí khô

- Nhuộm tóc

Cơ thể thiếu chất dinh dưỡng

- Tác động của một số loại thuốc.

Để giữ ẩm tóc, bạn nên thử những lời khuyên sau:

- Không nên gội đầu mỗi ngày trừ khi da đầu bị gàu và nhờn. Khi gội đầu, bạn nên sử dụng loại dầu gội dịu nhẹ được thiết kế để cung cấp đủ độ ẩm cho tóc khô. Ngoài ra, bạn cũng nên sử dụng dầu xả hằng ngày

- Hạn chế sấy, duỗi, uốn tóc

- Giảm bớt tần suất làm tóc như uốn và nhuộm

- Đội mũ vào những ngày lạnh, nhiều gió và đội nón khi bơi.

Tóc bóng dầu

Da đầu có chứa một lượng dầu tự nhiên gọi là bã nhờn. Chất nhờn được tạo ra bởi các tuyến bã nhờn. Đôi khi các tuyến này làm việc quá mức và sản xuất quá nhiều dầu, dẫn đến tình trạng da đầu bị nhờn. Tình trạng này mặc dù không gây tổn hại đến tóc nhưng lại tạo cảm giác khó chịu mất tự tin.

Biện pháp khắc phục

Với những người gặp phải tình trạng này thì bạn hãy nên thử chuyển qua một loại dầu gội có công thức đặc biệt để hỗ trợ kiểm soát bã nhờn hiệu quả.

Tóc có xu hướng xỉn màu

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tóc trông xỉn màu như: do tóc bị tổn thương bởi hóa chất, nhiệt, môi trường ô nhiễm, bụi bẩn hoặc từ chính thói quen gội đầu không đúng cách,…

Biện pháp khắc phục

Sau khi dầu gội kết hợp với dưỡng ẩm, bạn nên xả sạch chúng với nước lạnh.Vì nước lạnh có tác dụng làm cho thân tóc co lại, từ đó giúp mái tóc trở nên suôn mượt óng ả hơn. Theo đó bạn chỉ nên gội đầu với lượng dầu gội vừa phải và cần gội đầu thật sạch.

Các vấn đề ở tóc cảnh báo bệnh gì?

Tóc khô, mỏng, thiếu sức sống do stress, mất cân bằng nội tiết tố, bệnh tuyến giáp: Tóc mỏng đi trông thấy nếu cơ thể thiếu sắt hoặc protein, phổ biến với những người bị rối loạn ăn uống. Đó là bởi tình trạng thiếu dinh dưỡng đã buộc cơ thể phải bảo tồn lượng protein bằng cách hạn chế sự mọc tóc. Nếu tóc ngày một mỏng đi hoặc rụng theo từng mảng thì đã đến lúc cần quan tâm. Việc tóc rụng quá nhiều có liên quan đến stress hoặc dấu hiệu của mất cân bằng nội tiết tố liên quan đến hội chứng buồng trứng đa nang. Bệnh về tuyến giáp cũng có thể gây rụng tóc. Việc dùng một số loại thuốc, bao gồm cả thuốc tránh thai, thuốc chống trầm cảm cũng có tác dụng phụ gây rụng tóc.

Thiếu sắt, kẽm và vitamin C: Nếu tóc bị khô, thưa, chẻ ngọn và bạc sớm, tình trạng sức khỏe của bạn đang bị thiếu chất. Tóc thưa do thiếu sắt, kẽm, protein và vitamin C trong chế độ ăn uống hằng ngày. Chế độ ăn uống không cung cấp đủ dưỡng chất, khiến tóc thiếu protein để nuôi dưỡng và ngày càng khô và chẻ ngọn, xơ xác.

Thiếu nước: Tóc sẽ mất sự bóng mượt nếu bạn không uống đủ nước. Nếu tóc bạn xỉn đi kèm với nóng bức trong người, đổ mồ hôi ban đêm, thiếu năng lượng, đây là những triệu chứng thường có do cơ thể thiếu nước. Tóc thiếu nước dễ gãy, cơ bắp thiếu nước nóng nhanh hơn. Khi có đủ nước, tóc, da và cơ bắp sẽ khỏe mạnh hơn.

Nóng gan: Người bị nóng gan mật thường có biểu hiện khô miệng, đắng miệng, khô lưỡi, mắt cay, dần dần sẽ khiến tỳ vị bị tổn thương... và có tóc bạc ở hai bên mai.

Các bệnh lý ở dạ dày: Những người có bệnh ở dạ dày như trướng bụng, đau bụng, đau rát dạ dày, nhạt miệng, lạnh chân tay, đại tiện kém... thường có nhiều tóc bạc phần tóc gần trán hơn những người khác.

Bổ sung thực phẩm giàu kẽm cho mái tóc chắc, khỏe.

Cách chăm sóc tóc

Thường xuyên cắt tóc

Theo các nhà tạo mẫu tóc, việc cắt tỉa tóc, mỗi lần 1,5cm trong 6-8 tuần là một kế hoạch lý tưởng giúp tóc mọc dài nhanh. Bằng cách gắn bó với lịch trình này, bạn có thể ngăn ngừa chẻ ngọn tóc đi lên tới thân tóc, gây gãy vỡ cấu trúc tóc. Trong lúc chờ dài khoảng 12 tuần, mái tóc tỉa sẽ trở thành một kiểu đầu duyên dáng, đẹp mắt.

Không gội đầu thường xuyên và chải tóc nhẹ nhàng

Nhiều người nghĩ rằng khi tóc khô và xơ rối thì nên gội đầu nhiều lần trong tuần. Tuy nhiên đó là quan điểm hoàn toàn sai lầm bởi điều này khiến mái tóc bị mất nước và dễ bị khô xơ hơn. Gội đầu đều đặn và giữ khoảng cách hợp lý giữa các lần. Tốt nhất là cách 2 ngày gội 1 lần, trừ khi bạn phải làm việc hoặc hoạt động ngoài trời nhiều.

Dùng nước mát để gội đầu sẽ giúp khít các lỗ chân lông, nhưng không hề ảnh hưởng đến lớp biểu bì của tóc. Khi gội đầu, không cho trực tiếp dầu gội lên đầu mà bạn phải làm ướt tóc, cho dầu gội vào lòng bàn tay hòa với nước tạo bọt. Sau đó xoa đều dầu lên tóc, gãi nhẹ, mát xa một lúc rồi gội sạch lại bằng nước cho đến khi sạch hết bọt.

Lau khô tóc và chải tóc bằng các ngón tay trước hay bằng lược thưa, bởi khi mới gội đầu tóc bạn dễ bị rối nên nếu chải bằng loại lược răng dày thông thường sẽ làm rụng tóc. Đồng thời kết hợp với các thao tác xoa bóp mềm mại tránh làm tổn thương da đầu cũng như giảm độ bóng của tóc.

Hạn chế hơi nóng

Hơi nóng từ các loại máy sấy, máy uốn hay máy là tóc là một trong những nguyên nhân chính khiến tóc bị khô xơ và chẻ ngọn.

Vì thế, các bạn gái nên hạn chế sử dụng các loại máy này bằng cách để tóc khô tự nhiên sau khi gội đầu hoặc sử dụng các dụng cụ uốn tóc không cần nhiệt.

Lưu ý, khi sấy tóc, hãy chia tóc thành nhiều phần nhỏ và chải suôn bằng lược trước. Sau đó sấy từng phần đã được chia và nhớ giữ máy sấy cách tóc trên 5 cm, đừng để quá gần tóc. Vừa sấy vừa chải thẳng tóc sẽ hiệu quả hơn là sấy khô hoàn toàn rồi mới chải tóc. Cách này cũng giúp giữ cho nếp tóc được suôn thẳng mềm mại.

Ngoài ra thời tiết hè nắng nóng bạn cũng không nên để tóc tiếp xúc với ánh nắng, khi ra đường cần đội mũ che chắn để bảo vệ tóc.

Lựa chọn dầu gội phù hợp

Thay vì những loại dầu gội chứa nhiều thành phần hóa học, bạn nên lựa chọn loại chiết xuất từ tự nhiên và không gây kích ứng da đầu cũng như hư tổn cho tóc.

Nếu có thời gian, bạn nên sử dụng các loại dưỡng chất từ tự nhiên như bồ kết, vỏ bưởi, sả chanh…nấu thành nước gội đầu. Tóc bạn sẽ nhanh chóng cải thiện tình trạng chẻ ngọn, thay vào đó là mái tóc óng ả và chắc khỏe.

Mát xa da đầu thường xuyên

Việc mát xa thường xuyên cho tóc đem lại cho bạn nhiều ích lợi mà việc ngừa rụng tóc chỉ là một trong số đó mà thôi. Mỗi ngày dành ra từ 10 - 15 phút mát xa da đầu nhẹ nhàng. Việc này sẽ giúp tăng tuần hoàn máu trên da đầu, kích thích tóc phát triển. Hiệu quả việc mát xa da đầu sẽ được tăng thêm nhiều nếu bạn thoa lên da đầu một chút tinh dầu oải hương, hoặc tinh dầu quả hạch.

Điều trị dưỡng ẩm cho tóc

Điều trị dưỡng ẩm cho tóc ít nhất 1 lần/tháng là điều rất cần thiết. Có thể tự "chế" công thức bơ và kem dừa, tiếp theo là dầu gội, mặt nạ và giấm táo. Kết quả sau vài lần điều trị dưỡng sẽ đem đến một kết quả tốt: tóc chắc khỏe, bóng mượt và không còn chẻ ngọn. Cung cấp độ ẩm cho tóc chính là chìa khóa thành công để nuôi tóc dài.

Với những người có mái tóc đã qua làm xoăn, các chuyên gia khuyên nên thường xuyên hấp dầu cho tóc để tóc được tăng cường độ ẩm, dưỡng chất và trở nên bóng đẹp hơn, đồng thời hạn chế được hiện tượng tóc khô xơ, chẻ ngọn.

Mỗi tuần, bạn có thể hấp tóc nguội tại nhà một lần để hạn chế sự tác động của nhiệt độ cao gây hại cho tóc như khi hấp nóng.

Hãy chọn một loại dầu ủ tóc phù hợp và bôi nhẹ nhàng lên tóc sau khi đã gội sạch rồi quấn khăn ủ và chờ đợi trong khoảng 15-30 phút tùy theo từng loại dầu hấp cụ thể, bạn sẽ thấy mái tóc của mình trở nên mềm mượt và bóng khỏe hơn rất nhiều.

Chú ý đến chất liệu của gối

Đừng ngại bỏ tiền ra để mua một chiếc gối lụa hoặc bằng vải satin. Sự ma sát của mái tóc trước gối bông có thể dẫn đến gẫy vỡ cấu trúc tóc.

Không sử dụng khăn khô cứng để lau tóc

Tóc ướt dễ bị gãy rụng hơn tóc khô do vậy khi gội đầu xong bạn hãy chọn một chiếc khăn mềm để lau khô tóc, bạn cũng không nên sử dụng khăn chà xát quá mạnh hay vắt hoặc xoắn tóc lại, chỉ cần thấm nước một cách nhẹ nhàng.

Chú ý chế độ ăn uống

Một trong những nguyên nhân khiến tóc của bạn trở nên xấu xí là do mất cân bằng chế độ dinh dưỡng, khiến da đầu khó hấp thu các chất dinh dưỡng để nuôi tóc. Do đó, bạn nên bổ sung vitamin B các loại để làm ẩm và dày tóc bằng cách uống các sinh tố hoặc thức ăn giàu vitamin B như chuối, đậu xanh, sữa chua, trứng, ngũ cốc... và đặc biệt uống nhiều nước.

Vào mùa thu, tóc thường phát triển chậm hơn nhiều, nhưng nếu có chế độ ăn uống tốt, bạn vẫn có thể có được một mái tóc sống động trong suốt mùa thu.

Hạn chế tối đa lượng cafein bằng cách giảm trà, cà phê, chocolate hay các loại cola.

Sử dụng mặt nạ tự nhiên dành cho tóc

Sau khi cắt phần tóc chẻ ngọn bạn nên sử dụng những loại mặt nạ tự nhiên dành cho tóc. Một số loại mặt nạ giúp tóc phục hồi nhanh như mặt nạ bơ, bạn chỉ cần xay nhuyễn một quả bơ sau đó trộn chung hỗn hợp trên với trứng gà (dùng được cả lòng đỏ và trắng) và dầu olive.

Thoa đều hỗn hợp trên từ ngọn tóc đến chân tóc, quấn khăn hoặc dùng mũ chụp đầu để ủ tóc trong thời gian từ 20-30 phút. Lưu ý rằng bạn nên gội đầu với nước ấm trước để loại sạch hoàn toàn lớp mặt nạ dính trên tóc. Sau đó mới sử dụng dầu gội và xả lại bằng nước lạnh.

Bạn cũng có thể sử dụng mặt nạ đu đủ + sữa chua, mật ong hoặc xay nhuyễn chuối để ủ tóc. Những loại mặt nạ tự nhiên này rất dễ làm và hiệu quả, chắc chắn bạn sẽ bất ngờ về công dụng của chúng sau khi sử dụng 2-3 lần.

Bài nổi bật

Trẻ sơ sinh bị rụng tóc, nguyên nhân do đâu?

Trẻ sơ sinh bị rụng tóc, nguyên nhân do đâu?

Trẻ sơ sinh rụng tóc không phải là hiện tượng mới, hiếm mà nó đã trở thành hiện tượng phổ biến xảy ra ở nhiều trẻ. Do đó khi gặp phải hiện tượng này, các mẹ cũng đừng lo lắng quá. Những kiến thức sau...

Tin hay đừng bỏ lỡ

TIN MỚI TRONG NGÀY