Tổng quát
Cấu tạo tai mũi họng (TMH) là các hốc thông với nhau và thông với bên ngoài do đó bệnh lý của TMH không phải là bệnh riêng từng bộ phận mà có liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến các bộ phận khác. Khi bị viêm họng sẽ gây nên viêm mũi, viêm thanh quản vì họng - mũi - thanh quản thông với nhau; viêm họng - mũi lại thường là nguyên nhân gây viêm xoang.
TMH thông với bên ngoài nên bệnh học TMH chủ yếu liên quan đến môi trường với 2 yếu tố cơ bản là: nhiễm khuẩn và dị ứng, ngoài ra, yếu tố khác như nhiệt độ, thời tiết cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc hình thành bệnh lý ở đây. Bệnh lý của TMH vừa có thể ảnh hưởng đến các bộ phận, cơ quan khác mà rõ rệt nhất là của bộ máy hô hấp và tiêu hóa.
Bệnh lý của TMH vừa có thể ảnh hưởng đến các bộ phận, cơ quan khác. (Ảnh minh họa)
Nguyên nhân gây bệnh TMH
Do thời tiết, môi trường
Thời gian cao điểm của bệnh lý tai mũi họng thường rơi vào tháng 3, tháng 4 và tháng 9, tháng 10 khi mà thời tiết đổi thay đổi rõ rệt, hay còn gọi là thời điểm giao mùa, thời điểm khí hậu “đỏng đảnh” nhất trong năm. Đặc biệt tại các thành phố lớn, như Hà Nội, khi mà không khí càng ngày càng trở lên ô nhiễm, mật độ xây dựng dầy đặc, nồng độ khói bụi và khí thải rất cao, càng tạo môi trường thuận lợi cho bệnh lý về tai mũi họng có cơ hội phát triển.
Những thói quen sinh bệnh
"Kẻ thù" không kém nguy hiểm của tai mũi họng còn đến từ chính những thói quen rất phổ biến trong thời hiện đại như:
- Nghe bằng tai nghe với âm lượng lớn: Nhiều người bệnh đến khám trong tình trạng tai bị chấn thương âm do nghe tai nghe tần số quá cao. Bệnh này nếu không được điều trị kịp thời tai sẽ dần bị điếc. Thực tế, không ít người đã bị giảm thính lực vĩnh viễn do dùng tai nghe.
- Hút thuốc và uống rượu không đảm bảo chất lượng: Thuốc lá là tác nhân số một gây ung thư vòm họng. Còn rượu không đảm bảo chất lượng có thể làm bỏng thanh quản. Đây là cơ hội để rất nhiều loại bệnh tấn công vòm họng như viêm họng, viêm amidan...
Rượu không đảm bảo chất lượng có thể làm bỏng thanh quản. (Ảnh minh họa)
Tác hại của bệnh tai mũi họng
Bệnh ở tai mũi họng nguy hiểm vì nếu không điều trị dứt điểm bệnh dễ trở nên mạn tính và là tác nhân gây nhiều bệnh nguy hiểm khác.
Chẳng hạn như viêm mũi khi không điều trị dứt điểm có thể gây viêm tai (làm giảm sức nghe và gây ra những biến chứng nặng hơn như viêm màng não, áp xe não, viêm xoang tĩnh mạch bên, liệt mặt...), viêm thanh quản (bệnh làm biến đổi chất giọng) hay viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi.
Chứng viêm tai cũng có thể gây tiêu chảy, rối loạn tiêu hoá đôi khi kèm theo suy dinh dưỡng.
Trong khi đó viêm xoang lại có thể gây nhiễm trùng ổ mắt, đây là một biến chứng nghiêm trọng, đe dọa thị lực, thậm chí là tính mạng bệnh nhân. Nguy hiểm hơn, vi khuẩn của amidan còn có thể tấn công vào khớp, tim, thận và có thể để lại các biến chứng khôn lường như viêm cầu thận cấp, thấp khớp, thấp tim, viêm tim...
Tai mũi họng là cửa ngõ của đường thở nên những trục trặc ở bộ phận này có thể gây tắc thở nhanh chóng. Viêm họng cấp, viêm phế quản cấp ở trẻ em, dị vật... là những bệnh phải điều trị sớm nhất có thể.
Những bệnh TMH thường gặp
- Cảm lạnh: Nhiệt độ thay đổi, nắng nóng bất thường, không khí ẩm mốc, bụi bẩn,..làm cho hệ miễn dịch người cao tuổi suy yếu, rất dễ mắc bệnh. Đặc biệt thời tiết nóng cũng là yếu tố thuận lợi cho các loại virus gây bệnh sinh sôi phát triển, cảm lạnh dễ xảy ra.
- Viêm họng cấp tính nếu không điều trị sẽ chuyển thành mạn tính, thường biểu hiện sốt, đau họng, ho, khàn tiếng, ngứa họng…
- Viêm mũi xoang, viêm tai giữa,..: Độ ẩm không khí thấp, nhiệt độ môi trường cao, nhiều bụi,... làm cho niêm mạc mũi phù nề, gây hắt hơi, sổ mũi, đau nhức mũi, đau đầu, đau tai,…
- Viêm phế quản, viêm thanh quản, viêm phổi với nhiều biến chứng rất nặng dẫn tới nguy cơ tử vong cao. Phế cầu khuẩn, trực khuẩn gram âm,... là nguyên nhân gây viêm phổi thường gặp ở người cao tuổi, đây là những vi khuẩn có nguy cơ đa kháng thuốc, không đáp ứng điều trị dẫn đến suy hô hấp, tử vong
- Bùng phát bệnh phổi mạn tính như viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính khi nắng nóng, lưu ý có những trường hợp diễn tiến hen ác tính, suy hô hấp đe dọa tính mạng.
Điều trị bệnh tai mũi họng
Khi có các biểu hiện của bệnh tai mũi họng, không tự đi mua thuốc uống hoặc dùng lại đơn thuốc được kê từ lần trước mà phải đi khám tại các cơ sở y tế và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Không điều trị đứt quãng, uống thuốc một vài ngày thấy đỡ là dừng. Điều này không chỉ gây tình trạng nhờn thuốc mà còn có thể để lại những biến chứng khôn lường. Hãy điều trị đủ liều thuốc, đủ thời gian theo hướng dẫn của bác sĩ. Và quan trọng nhất là cần điều trị càng sớm càng tốt ngay khi có biểu hiện bất thường sẽ rút ngắn thời gian điều trị, hiệu quả điều trị và tránh được những biến chứng nguy hiểm.
Phòng tránh bệnh tai mũi họng
- Vệ sinh tai mũi họng bằng nước muối: Nên vệ sinh mũi, họng bằng cách súc miệng nước muối hoặc xịt nước muối biển ba đến bốn lần mỗi ngày. Lưu ý, các loại nước muối dạng bình xịt có áp lực mạnh không nên dùng cho trẻ nhỏ dưới một tuổi, hãy dùng nước muối 0,9% cho trẻ lứa tuổi này.
- Đeo khẩu trang khi ra đường, hạn chế tiếng ồn bên ngoài tác động hàng ngày vào tai.
- Thường xuyên đi khám bệnh tại các cơ sở y tế chuyên khoa sẽ giúp sớm phát hiện những căn bệnh nguy hiểm như ung thư vòm họng và ung thư thực quản...
- Vào những đợt thời tiết chuyển mùa, việc giữ ấm cổ, đặc biệt với trẻ em là rất quan trọng để phòng tránh các bệnh tai mũi họng.
Những thói quen có hại cho TMH
Thói quen có hại cho tai
Lấy ráy tai không đúng cách: Ráy tai nằm trong ống tai ngoài, là một chất không thấm nước có tác dụng bảo vệ tai khỏi chấn thương, nhiễm trùng hay dị vật từ bên ngoài. Tuy nhiên khi ráy tai quá nhiều, gây ra triệu chứng khó chịu như nghe kém, ù tai, viêm nhiễm... thì cần phải lấy ráy tai.
Một thực hành phổ biến hiện nay đó là việc người dân tự ý lấy ráy tai cho mình và người khác, hoặc lấy ráy tai tại các tiệm hớt tóc cũng khá phổ biến. Việc tự ý lấy ráy tai trong khi ráy tai chưa gây ra triệu chứng gì đôi khi gây ra hậu quả nghiêm trọng. Dụng cụ lấy ráy tai làm bằng kim loại cứng, có móc và sắc... rất dễ gây tổn thương trầy xước niêm mạc ống tai, gây viêm nhiễm, chảy máu. Đặc biệt là ở trẻ em, do sự không hợp tác chúng thường xuyên lắc đầu, quấy khóc khi bị lấy ráy tai. Việc cha mẹ làm trầy hay chảy máu tai con là rất hay gặp. Những dụng cụ lấy ráy tai này cũng không được khử trùng nên vết thương có thể bị nhiễm trùng; dùng chung dụng cụ với nhiều người làm tăng nguy cơ truyền những bệnh lây qua đường máu. Ngoài ra, tự lấy ráy tai đôi khi còn đẩy cục ráy vào sâu hơn trong tai, động tác thô bạo có thể gây thủng màng nhĩ.
Do đó, không nên tự ý lấy ráy tai cho mình hay cho người khác. Nếu bạn cảm thấy khó chịu do ráy tai quá nhiều, như ù đặc, nghe kém, ngứa hay đau, bạn nên tới gặp bác sĩ tai mũi họng để kiểm tra và lấy ráy tai nếu cần thiết.
Vệ sinh tai thường xuyên bằng tăm bông: Việc thường xuyên dùng tăm bông để ngoáy tai với lý do là làm sạch tai, hoặc đôi khi là do thích thú với cảm giác dễ chịu khi ngoáy tai. Động tác này cũng dễ gây tổn thương ống tai ngoài. Vì vậy, nếu sau tắm gội hay tai bị ướt bạn chỉ cần dùng khăn để lau khô. Không nên dùng tăm bông để ngoáy tai mỗi ngày.
Vệ sinh tai thường xuyên bằng tăm bông dễ gây tổn thương ống tai ngoài.
Thói quen có hại cho mũi
Ngoáy mũi: Cảm giác khó chịu nơi lỗ mũi khiến người ta có phản xạ dụi mũi hay móc mũi, thường gặp ở những người có bệnh viêm mũi dị ứng, đôi khi cũng là do thói quen.
Niêm mạc vách mũi rất mỏng, là nơi tập trung nhiều mạch máu nhỏ và nông để sưởi ẩm luồng không khí hít vào, ngay phần trước vách mũi có 1 điểm mạch máu rất dễ bị tổn thương. Chỉ cần hắt hơi mạnh hoặc móc mũi... là sẽ gây ra chảy máu cam. Hiện tượng chảy máu cam hay gặp ở trẻ em, do chúng chưa ý thức được tác hại của việc ngoáy mũi.
Nhổ lông mũi: Một số người có sở thích nhổ lông mũi dù lông mũi không dài. Các lông ở trong mũi có tác dụng giữ lại các hạt bụi trong khí hít vào, do đó nó có tác dụng bảo vệ đường hô hấp. Nếu lông mũi dài quá, thò ra ngoài gây mất thẩm mĩ thì nên cắt phần ngọn lông chứ không nên nhổ cả gốc, rất dễ gây tổn thương niêm mạc mũi và gây viêm mũi.
Nhổ lông mũi có thể gây tổn thương niêm mạc mũi.
Rửa mũi, xịt mũi, nhỏ mũi thường xuyên: Niêm mạc mũi được phủ bởi lớp nhầy, có tác dụng bảo vệ mũi, giữ ẩm và giữ bụi. Việc thường xuyên xịt rửa mỗi ngày dù mũi không bị bệnh sẽ không đem lại lợi ích gì mà còn có hại thêm, do làm tổn thương lớp chất nhầy bảo vệ mũi. Nhiệt độ của nước rửa mũi cũng ảnh hưởng tới mũi. Nếu nước rửa quá lạnh có thể gây co mạch máu, gây giảm miễn dịch tại chỗ. Việc xịt quá thường xuyên dạng phun sương vào mũi sai kĩ thuật lâu dài có thể dẫn đến tổn thương vách mũi.
Do đó, chỉ thực hiện vệ sinh mũi khi bị viêm đường hô hấp, theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Khi bình thường không nên nhỏ mũi hay xịt mũi.
Lạm dụng thuốc chống nghẹt mũi: Trên thị trường có rất nhiều các sản phẩm thuốc không kê toa có tác dụng chống tắc mũi, cả dạng nhỏ giọt, dạng xịt và dạng uống. Chúng thường xuyên được bán cho những bệnh nhân bị cảm, viêm mũi...
Các thuốc này làm giảm sự tắc nghẽn do sưng nề mô mềm ở trong mũi, giúp cho luồng không khí ra vào được ở cả 2 bên mũi một cách dễ dàng hơn. Thuốc xịt chống nghẹt mũi nếu dùng thời gian lâu dẫn đến phụ thuộc thuốc và phản ứng dội (nghĩa là chứng nghẹt mũi tái lại và tệ hơn ban đầu sau khi ngưng thuốc), trong khi đó thuốc chống nghẹt mũi dạng uống lại có thể gây tăng nhịp tim và huyết áp. Lưu ý quan trọng là không được dùng thuốc này cho trẻ nhỏ.
Lạm dụng khí dung: Khí dung là phương pháp đưa thuốc vào trong phế quản dưới dạng các hạt sương li ti, chủ yếu để điều trị chứng khò khè, co thắt phế quản trong bệnh suyễn, hoặc chống viêm trong bệnh viêm thanh khí phế quản cấp trẻ em.
Tuy nhiên nhiều cha mẹ cho rằng, khi khí dung chỉ bằng nước muối sinh lý thì sẽ làm loãng nhầy mũi, giúp thông mũi... Cho nên hễ trẻ bị cảm ho, sổ mũi là họ lại khí dung. Điều này là hoàn toàn không cần thiết và lợi ích chưa được chứng minh.
Việc khí dung nước muối kèm theo các thuốc như kháng sinh, kháng viêm (hydrocortison) hay thuốc giãn phế quản(ventolint) khi trẻ ho, sổ mũi mà không theo chỉ định của bác sĩ sẽ làm gia tăng tác dụng phụ của thuốc, sự đề kháng kháng sinh, giảm tác dụng của thuốc giãn phế quản.
Thói quen có hại cho họng
Súc miệng, súc họng: Khi có chỉ định vệ sinh họng bằng các dung dịch sát trùng để điều trị chứng viêm tại chỗ, một nhầm lẫn hay gặp đó là nhiều người lại súc miệng, nghĩa là chỉ ngậm và di chuyển dung dịch trong khoang miệng, từ bên này sang bên kia sau đó nhổ ra ngoài mà không thực hiện động tác ngửa cổ kêu a..a..a. Động tác này mới là động tác vệ sinh và sát trùng khoang họng.
Lạm dụng dung dịch sát trùng họng- miệng: Các dung dịch được quảng cáo có tính sát trùng họng, tạo hơi thở thơm mát... rất được ưa chuộng vì người ta nghĩ rằng nếu súc họng thường xuyên bằng các dung dịch sẽ giúp sát trùng, hơi thở thơm tho... Tuy nhiên, đa số các dung dịch có hương thơm và vị cay mát là dung dịch có độ cồn cao và không phù hợp với sinh lý niêm mạc họng, miệng. Việc súc họng nhiều lần trong một ngày với những thứ dung dịch này lâu dài dẫn đến những biến đổi mạn tính của niêm mạc, có thể có liên quan với sự gia tăng nguy cơ ung thư tại chỗ.
Tự pha nước muối tại nhà để súc họng không đúng nồng độ: Do tính chất sẵn có của muối ăn, nhiều người tự pha dung dịch nước muối để súc họng mỗi ngày. Chúng ta biết rằng, dung dịch nước muối được gọi là sinh lý với niêm mạc họng miệng là dung dịch có nồng độ 0,9 %. Nghĩa là trong 100 ml dung dịch đó chỉ có 0,9g muối mà thôi. Trong khi đó nếu tự pha rất khó để đạt được nồng độ này, thường dung dịch tự pha mặn hơn rất nhiều nước muối sinh lý gây tổn thương thêm cho niêm mạc.
Tự pha nước muối không đúng nồng độ gây hại.
Hút thuốc lá: Hút thuốc lá luôn luôn là một mối đe dọa với sức khỏe toàn thân nói chung và sức khỏe hệ hô hấp nói riêng. Những bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng hay suyễn sẽ không thể kiểm soát được bệnh nếu không cách li khỏi thuốc lá. Hút thuốc lá không những tăng nguy cơ ung thư phổi mà còn làm tăng nguy cơ ung thư hầu họng, ung thư miệng, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của những người xung quanh.
Uống rượu bia quá nhiều và thường xuyên: Một lượng cồn lớn được nạp vào dạ dày trong thời gian dài có thể làm gia tăng chứng trào ngược dạ dày- thanh quản, dẫn tới viêm thanh quản mạn tính, biểu hiện khan tiếng hay tắt tiếng.